“Israel sẽ bàn giao Dải Gaza cho Mỹ sau khi xung đột kết thúc. Người Palestine sẽ được tái định cư tại các địa điểm an toàn và đẹp đẽ hơn nhiều, với những ngôi nhà mới và hiện đại, trong khu vực. Sẽ không cần tới quân đội Mỹ” - Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Trước đó một ngày, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, ông Trump bất ngờ tuyên bố về ý định Mỹ tiếp quản Dải Gaza và phát triển khu vực này thành “Riviera của Trung Đông”.
Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh Israel và Hamas sắp bắt đầu đàm phán về giai đoạn 2 của kế hoạch ngừng bắn nhằm chấm dứt gần 16 tháng giao tranh ở Dải Gaza.
Người dân Palestine di chuyển dọc theo phố Rashid của Dải Gaza để trở về nhà. Ảnh: Anadolu
Khắp Trung Đông phẫn nộ trước tuyên bố mới từ tổng thống Mỹ. Ả Rập Saudi thẳng thừng bác bỏ đề xuất, trái ngược với khẳng định trước của Tổng thống Trump rằng Riyadh không hề đòi hỏi một quê nhà cho người Palestine.
Trong tuyên bố ngày 6-2, Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi nhấn mạnh lập trường của họ về vấn đề người Palestine là "không thể đàm phán".
Vua Jordan Abdullah - người sẽ gặp ông Trump tại Nhà Trắng vào tuần tới - cũng bác bỏ mọi nỗ lực sáp nhập đất đai và di dời người Palestine.
Iran bày tỏ thái độ phản đối tương tự. Nhiều nước phương Tây như Đức, Pháp... cũng chỉ trích ý định của ông Trump.
Cùng ngày 6-2, Israel Katz - Bộ trưởng Quốc phòng Israel - cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị kế hoạch cho phép những cư dân muốn rời đi được tự nguyện đi khỏi Dải Gaza.
"Tôi hoan nghênh kế hoạch táo bạo của Tổng thống Trump. Người dân Gaza nên được tự do rời đi và di cư, như thường lệ trên toàn thế giới" - ông Katz viết trên mạng xã hội X.
Theo ông Katz, quân đội Israel có thể sẽ sắp xếp lối đi bằng đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không. Bộ trưởng này đồng thời nhấn mạnh các quốc gia phản đối hoạt động quân sự của Israel ở Gaza nên tiếp nhận người Palestine.
Việc di dời người Palestine là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất ở Trung Đông trong nhiều thập niên. Việc di dời cưỡng bức hoặc ép buộc một nhóm dân cư bị quân đội chiếm đóng là tội ác chiến tranh, bị cấm theo Công ước Geneva năm 1949.
Phương Linh