Sau lễ nhậm chức, ông nói về mức thuế thấp hơn nhiều là 10%. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, ông lại khẳng định không muốn dùng đến thuế quan.
Giới chuyên gia nói với kênh truyền hình Channel NewsAsia rằng điều có vẻ là sự mềm mỏng hơn trong lập trường của Tổng thống Trump có thể chỉ là sự thay đổi trong chiến thuật đàm phán.
Ông Gary Ng, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Châu Á Trung Âu (Slovakia), khẳng định Tổng thống Trump sử dụng lời đe dọa thuế quan như một cách tiếp cận để đạt được thỏa thuận mà không nhất thiết phải áp dụng toàn diện các biện pháp trừng phạt.
"Nếu chúng ta xem xét cách ông ấy sử dụng thuế quan như một công cụ, ông ấy dường như đạt được rất nhiều mục tiêu trước khi sử dụng thuế quan, bởi vì các quốc gia khác về cơ bản sẽ đồng ý nói chuyện với ông ấy" - ông Ng giải thích.
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng ngày 23-1, Tổng thống Trump gọi các mối đe dọa về thuế quan là "một sức mạnh to lớn đối với Trung Quốc", đồng thời nói thêm rằng "họ không muốn áp dụng chúng và tôi cũng không muốn phải sử dụng nó".
Mới nhất, trong ngày 31-1, ông Trump tái khẳng định mức thuế 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể có hiệu lực sớm nhất vào ngày 1-2 (giờ địa phương).
Theo chuyên gia Chen Qiheng của Trung tâm Phân tích Trung Quốc (Mỹ), có khả năng là ông chủ Nhà Trắng đang "chờ đợi nền tảng pháp lý" trước khi tiến hành một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Tổng thống Trump đã ra lệnh đánh giá chính sách thương mại của Mỹ và điều này có thể mở đường cho các mức thuế quan mới, ông Qiheng khẳng định. Các cơ quan liên bang có thời hạn đến ngày 1-4 để nộp báo cáo và khuyến nghị của họ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm 23-1. Ảnh: EPA-EFE
"Chúng ta đang phải đối mặt với một thanh kiếm treo. Cuộc chiến thương mại đang nhen nhóm và mức độ nghiêm trọng của nó sẽ phụ thuộc vào các mối đe dọa về thuế quan" - chuyên gia này nói thêm.
Những người khác cho rằng động thái trên của Tổng thống Trump có thể là đòn mở màn cho một cuộc chiến tranh thương mại rộng lớn hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - một cuộc chiến "rất có khả năng sẽ leo thang" dưới thời ông Trump, sẽ đặt các ngành công nghiệp quan trọng như vi mạch bán dẫn quý giá vào tầm ngắm.
Giới chuyên gia lưu ý rằng Bắc Kinh có bộ công cụ riêng - một bộ công cụ toàn diện và mạnh mẽ - để ứng phó trong trường hợp chiến tranh thương mại leo thang.
Ông Qiheng cho biết Bắc Kinh có thể "trả đũa" bằng cách áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ, nhưng cho đến nay vẫn chưa làm vậy vì nhận thức được rằng chiến tranh thương mại có thể phản tác dụng - đặc biệt là ở thị trường tiêu dùng.
"Vũ khí mạnh nhất mà Trung Quốc (có thể sử dụng) để chống trả là duy trì sự cởi mở. Nhu cầu hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc sẽ là lực hấp dẫn ngăn cản ngay cả các đối thủ cạnh tranh chiến lược khỏi việc đi quá xa nhau" - ông nói.
Theo ông Ng, Bắc Kinh có thể kiểm soát xuất khẩu các nguồn tài nguyên thượng nguồn hoặc hạn chế thị trường có chọn lọc - một cách tiếp cận có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ sản xuất chất bán dẫn đến pin xe điện (EV).
Các cuộc điều tra chống độc quyền cũng là một phần của công cụ đó.
Cục Quản lý thị trường Trung Quốc tuyên bố nhiều nỗ lực hơn sẽ được thực hiện vào năm 2025 để "thúc đẩy thực thi luật chống độc quyền", cũng như "bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh".
Ông Tim Harcourt, nhà kinh tế trưởng tại Viện Chính sách công và Quản trị thuộc Trường ĐH Công nghệ Sydney (Úc), khẳng định: "Tôi nghĩ theo một số cách, Trung Quốc có thể không trả đũa vì họ có thặng dư thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, họ sẽ xem xét các phương án khác".
Ông nói thêm rằng Bắc Kinh có thể đang theo dõi những động thái của Washington "liên quan đến sở hữu trí tuệ, hạn chế đầu tư nước ngoài và cả về nhu cầu đối với các khoáng sản quan trọng".
Cao Lực