Tổng thống Trump 'xoay trục', dọa áp 'mưa' trừng phạt lên Nga, một đối tác đã có bước đi đề phòng

Tổng thống Trump 'xoay trục', dọa áp 'mưa' trừng phạt lên Nga, một đối tác đã có bước đi đề phòng
15 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp các lệnh trừng phạt thứ cấp lên Nga. (Nguồn: Getty Images)
Ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với những đối tác thương mại của Nga, trừ khi nước này đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày. Ông chủ Nhà Trắng đồng thời còn đe dọa sẽ áp các lệnh trừng phạt thứ cấp lên Moscow.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, ông Trump đang ám chỉ đến các lệnh trừng phạt nhắm vào các nước thứ ba mua hàng xuất khẩu của Nga.
Những lệnh trừng phạt thứ cấp như vậy được cho là có khả năng gây ra tác động nghiêm trọng hơn nhiều đến nền kinh tế Nga so với các biện pháp đã áp dụng trước đây.
Lãi suất cao ngất ngưỡng
Trong hơn ba năm qua, các nhà quan sát phương Tây đã trăn trở về tình trạng thực sự của nền kinh tế Nga. Có lúc, nền kinh tế dường như oằn mình dưới sức ép của các lệnh trừng phạt. Nhưng cũng có lúc, nền kinh tế lại cho thấy sức mạnh bất ngờ.
Năm 2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga tăng 4,1% và năm 2024 tăng 4,3%.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng dường như đang suy yếu. Nhiều nhà kinh tế dự đoán, tăng trưởng của Nga sẽ giảm một nửa, xuống chỉ còn 2%.
Thậm chí, Ngân hàng trung ương Nga cũng đang dự đoán như vậy khi chi biết, năm 2025, tăng trưởng kinh tế đất nước ở mức từ 1% đến 2% và 0,5% đến 1,5% vào năm tới.
Viện ifo có trụ sở tại Munich (Đức) còn bi quan hơn khi dự đoán, sau khi tăng trưởng khiêm tốn vào năm 2025, nền kinh tế Nga sẽ suy giảm 0,8% vào năm 2026.
Một rào cản lớn hiện tại là lãi suất cao ngất ngưởng của xứ bạch dương - hiện ở mức 21% - đang kìm hãm đầu tư tư nhân. Ngành công nghiệp ô tô và cơ khí bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là xây dựng và thép.
Đồng thời, mức tăng giá khoảng 40% của đồng Ruble so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay đã khiến nhiều nhà phân tích ngạc nhiên.
Theo ông Vasily Astrov, chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Vienna (WIIW), sự tăng giá của đồng Ruble phần lớn là phản ứng trước lập trường của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với Nga vào đầu năm nay.
"Khi Tổng thống Trump nhậm chức, ông ấy đã nói rằng ông ấy sẽ có cách tiếp cận hoàn toàn khác với Nga so với người tiền nhiệm Joe Biden. Ông đã ám chỉ về việc hợp tác chặt chẽ hơn và thậm chí nới lỏng hoặc bãi bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều này đã gây ra sự phấn khích trên thị trường tài chính Nga, với việc cả cổ phiếu và đồng Ruble đều tăng giá đáng kể", ông Astrov nói.
Hồi tháng 11/2024, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã siết chặt lệnh trừng phạt đối với Gazprombank - một ngân hàng lớn của Nga - bằng cách loại ngân hàng này khỏi hệ thống tài chính của Mỹ. Động thái này đã đóng băng tài sản của ngân hàng này tại Mỹ và cắt đứt quan hệ kinh doanh với các công ty Mỹ.
Gazprombank đóng vai trò trung tâm trong việc xử lý các khoản thanh toán khí đốt và tài trợ cho các dự án liên quan đến quân sự.
Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã miễn trừ lệnh trừng phạt cho Gazprombank cho đến cuối năm 2024 để tiếp tục thanh toán khí đốt cho Moscow nhưng động thái của Washington đã có tác động ngay lập tức. Khi đó, đồng Ruble đã nhanh chóng mất một phần tư giá trị so với USD và thị trường chứng khoán lao dốc, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và năng lượng.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nhà hoạch định chính sách Nga đặc biệt chú ý tới quan điểm của Tổng thống Trump với xứ bạch dương.
Dưới thời cựu Tổng thống Biden, các lệnh trừng phạt thứ cấp với Nga được thực thi nghiêm ngặt và các hành vi vi phạm đều bị trừng phạt. (Nguồn: Shutterstock)
Một lệnh trừng phạt mới
Lời đe dọa trừng phạt thứ cấp của ông Trump ám chỉ đến các hình phạt áp dụng cho các quốc gia thứ ba, các công ty hoặc cá nhân tiếp tục làm ăn với Moscow.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai Đảng đã chuẩn bị luật pháp để mở rộng lệnh trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào nhập khẩu sản phẩm năng lượng của Nga.
Chuyên gia Astrov cho biết, dự luật trừng phạt Nga mới có thể chủ yếu nhắm vào Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Astrov nhấn mạnh: "Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga, chiếm khoảng 40% lượng nhập khẩu và 30% lượng xuất khẩu vào năm 2024. Ấn Độ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế Nga. Quốc gia này mua hơn một nửa tổng lượng dầu xuất khẩu của xứ bạch dương".
Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, các lệnh trừng phạt thứ cấp được thực thi nghiêm ngặt và các hành vi vi phạm đều bị trừng phạt.
Ông Astrov lưu ý, các ngân hàng Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ - đặc biệt là những ngân hàng chấp nhận thanh toán từ Nga - đã chịu áp lực nặng nề từ chính quyền cựu Tổng thống Biden.
Tuy nhiên, chính quyền ông Trump đã thay đổi chính sách. Đơn cử như việc bãi bỏ một bộ phận thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm nhắm mục tiêu vào tài sản của các nhà tài phiệt Nga và nới lỏng đáng kể việc thực thi các lệnh trừng phạt thứ cấp.
Chuyên gia Astrov cho rằng, hiện tại khó có thể dự đoán được mức độ ảnh hưởng sâu sắc của các lệnh trừng phạt thứ cấp mới đối với các đối tác kinh tế của Nga.
Trong khi đó, các ngân hàng lớn của Nga đã thiết lập một hệ thống thanh toán bù trừ có tên là "The China Track" cho các giao dịch với Trung Quốc, nhằm mục đích giảm khả năng bị các cơ quan quản lý phương Tây phát hiện và giảm thiểu rủi ro bị trừng phạt thứ cấp.
Hệ thống này đã hoạt động được một thời gian và được một số ngân hàng Nga bị trừng phạt sử dụng. Đến nay, hệ thống chưa gặp bất kỳ trở ngại lớn nào.
Ông Alexander Shokhin, người đứng đầu nhóm vận động hành lang RSPP nêu quan điểm: "Tôi không loại trừ khả năng các đối tác Trung Quốc sẽ không còn sợ các lệnh trừng phạt thứ cấp nữa".
Ngoài ra, thời hạn 50 ngày mà ông Trump đặt ra có nghĩa là Nga và các đối tác có thời gian để chuẩn bị cho một lệnh trừng phạt mới. Do đó, tác động của lệnh trừng phạt có thể giảm đi rất nhiều.
(theo DW)
Linh Chi
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/tong-thong-trump-xoay-truc-doa-ap-mua-trung-phat-len-nga-mot-doi-tac-da-co-buoc-di-de-phong-321206.html