Tổng thống Venezuela trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ 3, ngày 10/1. (Ảnh: AP)
Trụ sở quốc hội nơi ông Maduro tuyên thệ nhậm chức ngày 10/1 được cảnh sát, quân đội và lực lượng tình báo canh gác nghiêm ngặt. Đám đông người dân tập trung trên những con phố và quảng trường gần đó để thể hiện ủng hộ nhà lãnh đạo này.
Trong khi đó, cựu ứng cử viên tổng thống và lãnh đạo đối lập Edmundo González tuyên bố ông mới là người đại diện cho ý chí của người dân Venezuela và đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.
Trong video được ghi hình từ Cộng hòa Dominica và đăng trên mạng xã hội, ông González cảm ơn "những người bạn dân chủ" của Venezuela vì sự ủng hộ của họ, với việc áp đặt một đợt trừng phạt mới vào ngày 10/1.
Ông khẳng định sẵn sàng trở về nước khi tình hình an toàn và kêu gọi quân đội không tuân lệnh ông Maduro.
Đám đông thể hiện ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicholas Maduro ngày 10/1 ở thủ đô Caracas. (Ảnh: AP)
Các lãnh đạo G7 (gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Mỹ và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu) ra tuyên bố chung lên án cuộc bầu cử mà họ cho là “thiếu dân chủ”, cũng như việc trấn áp người bất đồng ở Venezuela.
Tại Mỹ Latinh, Argentina và Chile ra tuyên bố riêng cho rằng chiến thắng của ông Maduro là “gian lận”, đồng thời chỉ trích những hành động trấn áp của chính quyền đối với những người phản đối kết quả bầu cử.
Trong khi đó, Venezuela quyết định đơn phương đóng cửa biên giới với Brazil và Columbia.
Bộ Tài chính Mỹ vừa áp một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào lãnh đạo tập đoàn dầu mỏ nhà nước, bộ trưởng giao thông và hãng hàng không quốc gia, các tướng lĩnh quân đội và cảnh sát Venezuela.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tăng mức tiền thưởng cho người cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ ông Maduro và Bộ trưởng Nội vụ Diosdado Cabello lên 25 triệu USD, và mức tiền thưởng 15 triệu USD cho thông tin về Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino.
Thu Loan
Theo AP