Trong cuộc phỏng vấn với một nhà báo truyền hình Nga vào ngày 24/1, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ sẵn sàng gặp gỡ Tổng thống Donald Trump để thảo luận về các vấn đề quan trọng như chiến sự ở Ukraine và biến động giá năng lượng.
Hình minh họa các lệnh cấm nhắm vào Trung Quốc gần đây của Mỹ. Ảnh: Itif
Tổng thống Nga cho biết ông lạc quan rằng các cuộc đối thoại trực tiếp với Tổng thống Mỹ có thể mang lại kết quả đôi bên cùng có lợi, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức các cuộc thảo luận “bình tĩnh và thực tế”.
Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin cũng lên tiếng chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho rằng sắc lệnh do ông Zelenskiy ký cấm Ukraine đàm phán với chính quyền Nga hiện tại đã làm phức tạp thêm cơ hội hòa đàm.
“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán”, ông Vladimir Putin nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn, nhưng cũng lưu ý rằng tiến trình này phụ thuộc rất nhiều vào những quyết định từ chính quyền Mỹ hiện nay.
NATO ca ngợi lập trường trừng phạt cứng rắn của Tổng thống Trump
Tổng thư ký NATO, ông Mark Rutte, đã nhanh chóng ủng hộ lời kêu gọi tăng cường trừng phạt và áp thuế từ Tổng thống Trump đối với Nga. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Rutte nói:
“Tôi rất, rất hài lòng với quan điểm của Tổng thống Trump khi thúc đẩy áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt với Nga. Nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn, và những biện pháp này sẽ góp phần gây áp lực mạnh mẽ hơn”.
Ông Rutte cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu theo gương Mỹ, gia tăng sức ép kinh tế lên Moscow để làm suy giảm nguồn tài chính phục vụ chiến tranh của Nga.
Tổng thư ký NATO nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp hòa bình bền vững, đồng thời khẳng định bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần ngăn chặn Nga khôi phục tham vọng lãnh thổ.
“Chúng ta phải đạt được một vị thế khiến Nga không bao giờ dám chiếm thêm một mét vuông nào của Ukraine nữa”, ông Rutte nhấn mạnh.
Ông cũng cảnh báo rằng các đồng minh của Nga, bao gồm Trung Quốc và Triều Tiên, sẽ cổ vũ nếu có một thỏa thuận yếu kém, từ đó khuyến khích Moscow thực hiện thêm các hành động xâm lược lãnh thổ.
Tổng thống Trump: Không có lựa chọn nào khác ngoài các biện pháp mạnh
Ngày 22/1, Tổng thống Donald Trump đã đăng tải một cảnh báo trên nền tảng mạng xã hội Truth Social: “Nếu không đạt được thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh, chúng ta sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp thuế cao, tăng thuế và trừng phạt tất cả hàng hóa mà Nga bán cho Mỹ hoặc các đồng minh của chúng ta”.
Ông Trump cũng khẳng định: “Hãy kết thúc cuộc chiến này - cuộc chiến mà nếu tôi còn là tổng thống, nó sẽ không bao giờ xảy ra. Chúng ta có thể làm theo cách dễ dàng hoặc cách khó khăn.”
Các tập đoàn tài chính lên tiếng về chiến lược thuế quan của ông Trump
Các lãnh đạo phố Wall đã bày tỏ ý kiến về những lời đe dọa thuế quan leo thang của Tổng thống Trump, với nhiều quan điểm đa chiều. Tại sự kiện Davos, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, thừa nhận những lo ngại về lạm phát và chiến tranh thương mại, nhưng cũng cho rằng thuế quan có thể hiệu quả nếu được sử dụng một cách chiến lược.
“Nếu điều đó hơi gây ra lạm phát nhưng tốt cho an ninh quốc gia, thì cũng đáng”, ông Dimon phát biểu. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Goldman Sachs, ông David Solomon, cho rằng các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump có thể đóng vai trò đòn bẩy để đàm phán lại các thỏa thuận thương mại toàn cầu.
Ông Solomon nhấn mạnh rằng hiệu quả của những biện pháp này sẽ phụ thuộc vào tốc độ và cách thức triển khai.
Những lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Trump không chỉ dừng lại ở Nga. Ông còn cam kết áp đặt mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc và mức thuế 25% đối với các sản phẩm từ Canada và Mexico.
Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), được đàm phán trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, sẽ được xem xét lại vào năm 2026. Tổng thống Trump cũng cáo buộc Liên minh châu Âu có các hành vi thương mại không công bằng, dẫn đến mức thâm hụt thương mại 214 tỷ USD mà Mỹ ghi nhận với EU trong năm 2024.
Dũng Phan (Theo Cryptopolian)