Tổng thư ký NATO Mark Rutte thăm Mỹ, thử thách đầu tiên với ông Trump

Tổng thư ký NATO Mark Rutte thăm Mỹ, thử thách đầu tiên với ông Trump
42 phút trướcBài gốc
Bối cảnh diễn ra chuyến thăm
Tổng thư ký NATO Mark Rutte đang có chuyến thăm hai ngày đến Mỹ với lịch trình tương đối dày đặc, gặp các giới chức Mỹ, cả trong Chính quyền và Quốc hội. Chuyến thăm của Tổng thư ký NATO đến Mỹ diễn ra trong thời điểm khá quan trọng, và có thể nói là mang tính then chốt có thể quyết định hướng đi trong tương lai không chỉ đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, xung đột Nga-Ukraine mà còn đối với ngay cả nội bộ Mỹ cũng như NATO.
Đối với quan hệ xuyên Đại Tây Dương, chuyến thăm của ông Mark Rutte nhằm cụ thể hóa các cam kết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO cuối tháng 6 vừa qua. Quan trọng nhất trong số các cam kết là việc các thành viên NATO quyết định tăng ngân sách quốc phòng lên 5% GDP và tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, và chuyến thăm này không ngoài mục đích biến cam kết thành chính sách cụ thể.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte gặp ông Trump tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters)
Đối với xung đột Nga-Ukraine, bất chấp các nỗ lực trung gian hòa giải, tiến trình đàm phán hòa bình vẫn bế tắc. Trong họp báo vừa diễn ra, Tổng thống Trump cho biết sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Ukraine và người trả tiền là Liên minh châu Âu, đồng thời đe dọa áp thuế 100% nhằm vào Nga, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong vòng 50 ngày tới. Quyết định của Nhà Trắng có thể tác động sâu sắc đến xung đột Nga-Ukraine, tuy nhiên phải sau thời hạn mà Tổng thống Trump đặt ra.
Chuyến thăm của ông Mark Rutte cũng diễn ra trong bối cảnh sức ép nội bộ cả Mỹ và NATO về chính sách đối với xung đột Nga-Ukraine gia tăng đáng kể. Tại Mỹ, đảng Cộng hòa đang tìm cách đẩy nhanh thông qua các dự luật cứng rắn hơn đối với Nga. Các dự luật này cũng được dư luận Mỹ ủng hộ khi ông Trump hết đưa ra thời hạn này đến thời hạn khác chấm dứt cuộc xung đột này. Trong nội bộ các đồng minh NATO cũng liên tục xuất hiện mâu thuẫn khi một số nước đưa ra các đề xuất mang tính nhượng bộ để vận động Washington duy trì vai trò lãnh đạo khối liên minh này.
Khả năng thành công của ông Mark Rutte trong “phép thử” này
Một trong các mục tiêu chính trong chuyến thăm của Tổng thư ký NATO đến Mỹ là vận động Washington tiếp tục viện trợ toàn diện cho Ukraine. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất có thể là việc hai bên muốn hiện thực hóa thỏa thuận và thống nhất về kế hoạch mua sắm vũ khí. Trong đó, các đồng minh NATO sẽ mua vũ khí của Mỹ bằng tiền của Liên minh châu Âu và chuyển giao cho Ukraine.
Với các tuyên bố trong cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và ông Mark Rutte, có thể thấy Tổng thư ký NATO đã thành công trong việc vận động Mỹ tiếp tục duy trì hỗ trợ cho Ukraine, ít nhất là trong ngắn hạn. Theo đánh giá của giới phân tích chính trị tại Mỹ, kế hoạch cung cấp vũ khí theo hình thức trên là cách tiếp cận mới, phù hợp hơn với quan điểm thực tế của Nhà Trắng khi có thể mang lại các lợi ích tài chính ngay lập tức và trực tiếp cho các tập đoàn sản xuất vũ khí của nước này.
Tuy nhiên, trong dài hạn, cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và hoàn toàn có thể thay đổi trong thời gian tới. Cụ thể hơn, kế hoạch mới giữa Mỹ và NATO mang tính chất thỏa thuận thương mại hơn là cam kết hỗ trợ lâu dài. Nguồn tài chính để mua vũ khí của Mỹ phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ ngân sách của Liên minh châu Âu. Trên thực tế việc các nước châu Âu tìm kiếm sự đồng thuận về các khoản chi khổng lồ mua sắm vũ khí cung cấp cho Ukraine từ trước đến nay là điều không hề dễ dàng.
Nếu châu Âu hết tiền thì cũng có nghĩa là nguồn cung vũ khí cho Ukraine sẽ dừng lại. Bên cạnh đó, trong cuộc gặp thì Tổng thống Trump cũng đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga nếu Nga và Ukraine không đạt được thỏa thuận đàm phán hòa bình sau thời hạn 50 ngày tới. Việc công khai đe dọa Nga, đồng ý bán vũ khí cho Ukraine… về bản chất, thì vẫn chỉ là các hành động ngắn hạn hơn là cam kết bền vững, lâu dài.
Ý nghĩa chuyến thăm
Chính sách của Chính quyền Tổng thống Trump đối với các đồng minh NATO hiện nay có nhiều thay đổi và điều chỉnh so với các chính quyền trước đây, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Biden. Có thể thấy rằng, chính sách của Washington đối với các đồng minh NATO tập trung vào 2 vấn đề chính, thứ nhất là đề xuất các nước thành viên NATO phải chia sẻ “gánh nặng” quốc phòng, cụ thể là tăng ngân sách quân sự từ mức 2% lên 5% vào năm 2035. Đề xuất này cũng phù hợp với các tuyên bố của Tổng thống Trump trong thời gian vừa qua, ám chỉ rằng các nước phải “mua” sự bảo vệ của Mỹ.
Thứ hai, chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục tận dụng liên minh quân sự này để phục vụ cho các lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ. Điều này thể hiện rõ rất qua việc Mỹ sẽ bán vũ khí cho NATO để viện trợ cho Ukraine bằng tiền của Liên minh châu Âu. Một số đồng minh và dư luận Mỹ cũng cho rằng, chính sách này của Trump chỉ phục vụ cho lợi ích của Mỹ, bỏ qua các lợi ích của các nước đồng minh, đối tác.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là trụ cột về an ninh và hạt nhân trong NATO khi đóng góp gần một nửa quân số và vũ khí trang bị cho liên minh quân sự này. Ngoài ra, châu Âu cũng đang dựa vào “ô an ninh hạt nhân” của Mỹ trong khuôn khổ Thỏa thuận Washington được ký kết năm 1949, cho phép các nước thành viên NATO không có vũ khí hạt nhân được tham gia vào các kế hoạch và hoạt động huấn luyện liên quan đến vũ khí hạt nhân. Ở chiều ngược lại thì Mỹ cũng dựa vào NATO để phục vụ cho các lợi ích quốc gia của mình.
Đánh giá cả trong quá khứ cũng như tình hình hiện nay, có thể thấy rằng dưới thời Chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ vẫn muốn duy trì vai trò lãnh đạo liên minh quân sự NATO, nhưng phải phục vụ cho các lợi ích của Mỹ, phần nào nghiêng về lợi ích tài chính hữu hình hơn là chiến lược dài hạn. Về phía các đồng minh NATO, các thành viên của liên minh quân sự này cũng sẽ phải điều chỉnh chính sách theo đề xuất của Tổng thống Trump thì mới có thể thúc đẩy vai trò đầu tầu của Washington.
Vũ Hợp, Phạm Huân/VOV-Washington
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tong-thu-ky-nato-mark-rutte-tham-my-thu-thach-dau-tien-voi-ong-trump-post1214741.vov