Nguồn: BCTC các ngân hàng - Đồ họa: Vân Miên.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 29 ngân hàng đã công bố (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và BaoViet Bank, PVcomBank), sau 9 tháng đầu năm 2024, số dư khoản mục chứng khoán kinh doanh và đầu tư của các ngân hàng đã tăng 6% so với cuối năm trước, đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng.
Chứng khoán kinh doanh là chứng khoán nợ, chứng khoán vốn và các chứng khoán khác được mua và nắm giữ trong vòng một năm nhằm thu lợi nhuận do chêch lệch giá. Còn chứng khoán đầu tư gồm rất nhiều loại như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, cổ phiếu,... nhưng thông thường trái phiếu chính phủ chiếm tỷ trọng cao nhất.
Tính đến cuối tháng 9, BIDV là ngân hàng đứng đầu tiên trong hệ thống với 267.227 tỷ đồng rót vào chứng khoán kinh doanh và đầu tư, tăng 16% so với cuối năm 2023. Theo sau đó là MB, ngân hàng ghi nhận tỷ trọng mục chứng khoán tăng 10% tính đến hết quý III/2024, đạt 212.325 tỷ đồng.
Hai “ông lớn” VietinBank và Vietcombank đang xếp thứ ba và thứ 4 trên bảng xếp hạng, ghi nhận số dư lần lượt là 185.069 tỷ đồng và 174.838 tỷ đồng.
Thành viên còn lại trong nhóm Big4, Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý III, tuy nhiên theo số liệu nửa đầu năm, Agribank là ngân hàng có tỷ lệ tăng chứng khoán kinh doanh và đầu tư cao nhất trong Top 10, tương ứng tỷ lệ 22%, nâng chứng khoán ngân hàng từ 173.863 tỷ đồng vào cuối năm 2023 lên 211.675 tỷ đồng tính đến hết tháng 6/2024.
Những vị trí tiếp theo trong Top 10 lần lượt thuộc về ACB, Techcombank, Sacombank, VPBank, TPBank và MSB.
Về tốc độ tăng trưởng, có 16 nhà băng ghi nhận khoản mục đầu tư chứng khoán tăng trưởng, trong đó 12/16 ngân hàng tăng trưởng từ hai con số trở lên, đặc biệt có ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng ba chữ số là Eximbank (208%) - tỷ lệ tăng chứng khoán kinh doanh và đầu tư cao nhất hệ thống.
Tuy nhiên, cũng có 13 ngân hàng báo giảm lượng chứng khoán kinh doanh và đầu tư trong 9 tháng đầu năm, theo đó VPBank là ngân hàng có tỷ lệ giảm mạnh nhất với mức giảm 36%, ngay sau đó là PVcomBank (giảm 33%).
Minh Nguyệt