Đứng đầu danh sách đặc sản “gây ấn tượng” phải kể đến nậm pịa – món ăn truyền thống của người Thái đen. Nậm pịa được nấu từ nội tạng bò hoặc trâu, tiết, gừng, tỏi, ớt, và nguyên liệu chính là pịa – chất dịch trong ruột non. Món ăn có mùi khá nặng và vị đắng đặc trưng, nhưng ai đủ can đảm nếm thử sẽ bị chinh phục bởi vị béo, cay nồng và hậu ngọt rất riêng. Đây không chỉ là một món ăn, mà còn là dấu ấn văn hóa ẩm thực vùng cao Tây Bắc. Ảnh MIA
Thịt trâu gác bếp là niềm tự hào của người Thái ở Sơn La. Thịt trâu được tẩm ướp gia vị núi rừng, treo lên gác bếp và hun khói liên tục suốt nhiều ngày. Nhờ vậy, miếng thịt có màu nâu sẫm, mùi khói đặc trưng, bên ngoài khô nhưng bên trong vẫn mềm ngọt. Khi ăn, chỉ cần xé nhỏ chấm với chẩm chéo món nước chấm “thần thánh” của người Thái là đủ tạo nên dư vị khó phai. Ảnh Rừng vàng
Ốc đá suối Bó Sập là món ăn dân dã nhưng rất được săn đón vào mùa mưa. Ốc sống trong các khe đá tự nhiên, vỏ mỏng, thân giòn. Ốc có thể luộc, hấp sả, hoặc xào với mắc khén. Điểm đặc biệt là ốc ngọt, thơm và hoàn toàn không có vị tanh. Đây là món ăn thể hiện sự tinh tế của người dân khi khai thác tài nguyên tự nhiên một cách khéo léo và bền vững. Ảnh MIA
Một món ăn ít người biết nhưng lại mang đậm hồn núi rừng Sơn La, đó chính là cháo mắc nhung. Quả mắc nhung là món quà của Tây Bắc dành tặng cho người Sơn La. Loại quả này có vị ngăm đắng, hơi the cay và có chút ngọt. Quả mắc nhung được nấu cùng gạo nếp trong nước hầm xương nhiều giờ, tạo nên món ăn vừa thơm ngon lại vừa bổ dưỡng. Đây không chỉ là món ăn, mà còn là “thức quà rừng” mà thiên nhiên Tây Bắc ưu ái dành tặng cho người Sơn La. Ảnh iViVu
Pa pỉnh tộp hay còn được biết đến là món cá gập nướng, món ăn cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La. Với món ăn này, người ta phải chọn cá thật tươi sống, sau đó làm sạch, ướp đầy đủ gia vị như sả, gừng, ớt rừng, rau thơm, mắc khén… rồi nướng trên than củi. Thịt cá sau khi nướng vẫn giữ nguyên độ ngọt, dai tự nhiên. Các hương vị của núi rừng hòa quyện vào từng thớ cá. Món cá nướng này thường được chấm cùng chẩm chéo hoặc ăn cùng xôi nếp Tây Bắc, sẽ khiến cho bạn dễ “phát nghiện” hơn. Ảnh Poliva
Nộm da trâu là món ăn độc lạ, cực ấn tượng với cách chế biến công phu có sự góp mặt của các nguyên liệu và gia vị địa phương như: mắc khén, mùi ta, trám rừng, lạc rang, rau thơm… Sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu sẽ khiến thực khách ăn một lần là nhớ mãi, không quên hương vị núi rừng Tây Bắc. Ảnh amthucTaybac
Dù không phải món chính, nhưng chẩm chéo lại là thứ làm nổi bật hương vị của mọi món ăn. Được làm từ muối hột, mắc khén, ớt, tỏi, rau thơm rừng… giã nhuyễn, chẩm chéo có vị cay nồng, thơm hăng, rất “đã miệng”. Chấm cùng thịt nướng, cá nướng hay rau luộc đều khiến thực khách phải xuýt xoa. Ảnh Mytour
Không thể không nhắc đến cơm lam – gạo nếp nương cho vào ống tre, nướng chín trên than củi, vừa dẻo vừa thơm mùi tre nứa. Còn xôi ngũ sắc là sự phối hợp hài hòa giữa màu sắc và hương vị, với các màu tự nhiên từ lá rừng, mỗi màu mang một ý nghĩa riêng trong tín ngưỡng người Thái. Ảnh iViVu
Ngoài nộm da trâu, bê chao Mộc Châu cũng là món ngon Sơn La đáng để bạn thưởng thức. Thịt bê mềm ngọt thơm lừng mùi sả với lớp da giòn sần sật chấm kèm tương bần đậm đà. Đẩy đưa thêm vào cọng rau thơm như bạc hà, ngò rí, rau rừng ăn đến đâu đã đến đấy. Bê chao nhâm nhi cùng chút rượu táo mèo Tây Bắc thì quả là tuyệt phẩm. Ảnh MIA
Không cầu kỳ như các món ăn khác của người Thái, canh vón vén nấu đuôi bò là món ăn đơn giản, rất được ưa chuộng. Đuôi bò làm sạch, chặt thành từng miếng vừa ăn, ninh trên bếp than cho đến khi nhừ rồi cho lá vón vén (hay lá lồm, lá giang) đã vò vào rồi nấu chín. Món canh này thường được ăn vào mùa hè bởi vị chua thanh của lá vón vén, vị thơm ngậy và giòn của đuôi bò nên rất dễ ăn và bổ dưỡng cho sức khỏe. Ảnh Cookpad
Vân Giang (Tổng hợp)