Nói về chức năng của đô thị, ông Tô Hoài Phương cho biết, TP Cà Mau có vai trò là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng bán đảo Cà Mau và vùng ÐBSCL, là nơi tập trung của nhiều đầu mối giao thông lớn như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 63, đường Hành lang ven biển phía Nam, sân bay, các tuyến đường thủy quốc gia, thuận lợi với các tỉnh, huyện phụ cận; là cứ điểm quốc phòng, an ninh quan trọng của vùng bán đảo Cà Mau.
Theo quy hoạch chung TP Cà Mau đến năm 2045, sẽ phát triển theo mô hình đô thị phi tập trung tầng bậc dựa trên sự hội tụ của các trục hướng tâm. Các cực trung tâm phân bố trên lãnh thổ theo tầng bậc, chúng được kết nối với nhau bằng mạng lưới giao thông và các khu chức năng phân bố khá đồng đều cho các trung tâm. Mô hình này còn gọi là mô hình phân bố chia đều với các trung tâm đa cấp. Ðộng lực phát triển không gian đô thị gắn liền với các tuyến đường bộ và đường thủy đối ngoại. Cấu trúc đô thị của TP Cà Mau bao gồm 2 cấu phần chính, gồm lõi đô thị phát triển tập trung (bao gồm khu trung tâm đô thị lịch sử và khu đô thị phát triển mới) và các trục phát triển hướng tâm (bao gồm các không gian phát triển dọc theo các trục giao thông đã hình thành và mạng lưới sông, kênh rạch hiện hữu).
Khu vực phía Ðông TP Cà Mau (Khu vực 3, gồm toàn bộ Phường 5, phường Tân Thành, xã Tân Thành, một phần Phường 6, một phần xã Ðịnh Bình, một phần xã Tắc Vân) với chức năng là khu trung tâm hành chính cấp tỉnh; trung tâm dịch vụ, thương mại cửa ngõ phía Ðông; trung tâm thương mại, phân phối cấp vùng, dịch vụ hậu cần hành khách và hàng hóa đường hàng không; khu đô thị sân bay phát triển mới, hiện đại, gắn với không gian du lịch, dịch vụ thể thao.
Về hướng phát triển đô thị, bao gồm lõi trung tâm đô thị nén và 7 hướng phát triển mở rộng về các khu vực ngoại vi. Trong đó, có 3 hướng phát triển chính, gồm: hướng về phía Ðông gắn với động lực phát triển thương mại và dịch vụ hậu cần Sân bay Cà Mau hiện hữu, kết nối với cảng Hòn Khoai; hướng về phía Tây gắn với động lực phát triển sản xuất khí - điện - đạm, năng lượng tái tạo và công nghiệp, logistics bổ trợ; hướng về phía Nam kết nối đô thị Sông Ðốc, Năm Căn gắn với các không gian sản xuất thủy sản và du lịch trải nghiệm. Ngoài ra, 4 hướng phát triển phụ cũng được xác định dựa trên cấu trúc đô thị hiện hữu, tạo điều kiện phát triển các khu đô thị mới đan xen với cải tạo chỉnh trang các khu ở truyền thống. Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chung cũng đề xuất một vành đai sinh thái bao quanh thành phố. Vành đai này đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường đô thị, cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái.
Thực hiện quy hoạch, ông Tô Hoài Phương cho biết, giai đoạn 2025-2030, địa phương tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị hiện hữu, đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhằm cải thiện, đảm bảo các tiêu chí của đô thị loại I. Ðầu tư khung hạ tầng giao thông kết nối vùng đã được phê duyệt theo các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng. Kêu gọi đầu tư các khu vực chức năng, các hạng mục trọng điểm được đề xuất theo quy hoạch, ưu tiên các dự án có tầm quan trọng, tác động đến chiến lược phát triển kinh tế của địa phương như các khu chức năng cấp vùng đã được xác định trong quy hoạch tỉnh Cà Mau, TP Cà Mau, phấn đấu cơ bản đạt một số tiêu chí đô thị loại I đến năm 2025, tạo động lực thu hút dân cư và lao động, huy động nguồn lực và kêu gọi đầu tư các dự án.
Đơn vị tư vấn công bố quy hoạch phân khu Khu đô thị Sân bay Cà Mau, tỷ lệ 1/2000 (gồm Phường 6 và phường Tân Thành) trên phần diện tích 580 ha, quy mô dân số dự kiến 64.500 người. Đây là khu đô thị kết hợp du lịch cộng đồng, đất ở kết hợp sản xuất nông nghiệp, khu thể dục - thể thao hiện đại và dịch vụ hậu cần logistic phát triển theo hướng văn minh, hiện đại với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ.
Với giai đoạn 2030-2045, trong 5 năm đầu (giai đoạn 2030-2035), tập trung đầu tư các trục giao thông chính đô thị thúc đẩy mở rộng thành phố về phía Ðông, phía Nam và phía Bắc theo định hướng quy hoạch chung. Phát triển các khu đô thị mới nhờ động lực tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Sân bay Cà Mau và các kết nối hạ tầng cấp vùng, nhằm tạo ra dư địa phát triển mới cho giai đoạn tiếp theo.
Sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Khu đô thị Sân bay Cà Mau (Phường 6 và phường Tân Thành).
Trong 10 năm tiếp theo (giai đoạn 2035-2045) là giai đoạn chuyển biến, tập trung gia tăng mật độ và tái phát triển khu vực đô thị hiện tại. Thúc đẩy chuyển đổi, đầu tư mới các dự án quy mô lớn, hiện đại, đẳng cấp. Hoàn thiện các dự án hạ tầng quan trọng để đảm bảo vận hành và kiểm soát ổn định sự phát triển không gian đô thị trong dài hạn.
“TP Cà Mau không chỉ là trung tâm và động lực của tỉnh mà còn liên vùng, vì thế cần tập trung và hoàn thiện về hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông... làm nền tảng và động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển, xứng tầm và theo kịp tốc độ phát triển chung của tỉnh, vùng và đất nước”, ông Tô Hoài Phương chia sẻ.
Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2024 của TP Cà Mau đạt khoảng 13.687 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 543,5 tỷ đồng. Với quyết tâm đạt các tiêu chí đô thị loại I, qua quá trình tập trung phấn đấu, đến nay thành phố đạt 76,96/100 điểm trong 5 tiêu chí theo quy định.
Trần Nguyên