Phường Quang Trung hiện có 4 nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập, đang để sử dụng dự phòng, chưa phát huy hiệu quả, trong đó có nhà văn hóa khu dân cư số 10 trên đường Đoàn Nhữ Hài
Thời gian vừa qua, các xã, phường trên địa bàn TP Hải Dương đã đẩy mạnh rà soát, phân loại các trụ sở công, đất công không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả để xây dựng phương án xử lý phù hợp, hạn chế lãng phí.
Nhiều trụ sở không sử dụng
Thực hiện chỉ đạo Thành ủy, UBND TP Hải Dương, phường Trần Phú đã tập trung rà soát, thống kê các cơ sở nhà, đất công chưa sử dụng hoặc đang sử dụng nhưng không hiệu quả.
Phường Trần Phú hiện có 6 trụ sở công chưa được sử dụng. Trong đó, có 4 nhà văn hóa khu dân cư dôi dư do sáp nhập không còn sử dụng và 2 trụ sở hành chính cũ gồm UBND thành phố ở số 2 phố Đồng Xuân và Chi cục Thuế TP Hải Dương tại số 167 Bạch Đằng.
Trụ sở UBND TP Hải Dương cũ ở số 2 Đồng Xuân không sử dụng nhiều năm nay, TP Hải Dương đã xây dựng phương án xử lý nhưng còn vướng mắc
Phường Quang Trung cũng đã rà soát, phân loại và đề xuất phương án xử lý đối với các cơ sở nhà đất công chưa phát huy hiệu quả trên địa bàn phường.
Theo ông Nguyễn Đình Hồng, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, hiện trên địa bàn phường có 4 nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập. Các nhà văn hóa này chỉ sử dụng để làm khu sinh hoạt văn hóa dự phòng, không hoạt động thường xuyên. Trên địa bàn phường còn có khu đất trụ sở Trung tâm Văn hóa, Thông tin – Thể thao thành phố cũ ở số 75 Quang Trung đang để không.
Theo UBND phường Thạch Khôi, phường có 3 cơ sở nhà, đất công chưa đưa vào sử dụng, trong đó có 2 nhà trẻ khu dân cư Trại Thọ và Lễ Quán với tổng diện tích hơn 470 m2 và nhà văn hóa cũ khu Lễ Quán với diện tích hơn 89 m2. UBND phường đã đề xuất sử dụng khu đất 2 nhà trẻ làm nơi vui chơi, thể thao cho khu dân cư. Còn lô đất nhà văn hóa cũ khu Lễ Quán, phường lập hồ sơ thực hiện quy trình bán đấu giá tài sản công.
Tất cả các xã, phường còn lại trên địa bàn TP Hải Dương đều đã rà soát, phân loại và đề xuất hướng xử lý cụ thể đối với từng cơ sở nhà, đất công đang để lãng phí, chưa đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.
Xây dựng phương án cụ thể
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú, hiện nay, UBND phường đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản công nhà văn hóa khu dân cư số 1 và số 6, dự kiến trong tháng 12 tới sẽ hoàn thành, trình phê duyệt phương án.
Phương án xử lý nhà văn hóa khu 2 cũ đã được phê duyệt, phường đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm. Đối với nhà văn hóa khu 3, UBND phường Trần Phú đang lựa chọn đơn vị đấu giá tài sản công theo quy định nhưng còn một số vướng mắc cần xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ.
UBND phường Quang Trung đề nghị tổ chức bán đấu giá đối với 4 nhà văn hóa và được tiếp nhận trụ sở Trung tâm Văn hóa, Thông tin – Thể thao thành phố cũ để làm trụ sở Ban Chỉ huy quân sự phường.
Phường Quang Trung đã tiến hành đo đạc, trích lục bản đồ địa chính các khu đất nhà văn hóa; xin ý kiến về quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các nhà văn hóa này sang đất ở để bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm tăng nguồn thu cho địa phương.
Một số cơ sở nhà đất công dôi dư sau sáp nhập được địa phương sắp xếp lại để phát huy hiệu quả sử dụng. Trong ảnh: Trường Mầm non khu Trại, thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiền trước đây được địa phương sử dụng làm nhà văn hóa thôn Cập Nhất 1
Theo UBND TP Hải Dương, qua rà soát, thành phố có 24 trụ sở, đất công được các địa phương đề xuất đấu giá tài sản. Thành phố đã trình và UBND tỉnh đã quyết định đấu giá 13 cơ sở nhà, đất. Đến nay, có 10 cơ sở đang thuê tư vấn để xác định giá, 2 cơ sở đã xác định giá, 1 cơ sở đã có quyết định phê duyệt giá khởi điểm song đang vướng mắc trong lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá tài sản.
Thành phố đang hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh để bán 11 cơ sở nhà đất. Trong đó, trụ sở UBND TP Hải Dương cũ ở số 2 Đồng Xuân đang vướng mắc khi xử lý tài sản trên đất do Hội Người mù tỉnh chưa di chuyển và chưa có quyết định chuyển giao cho UBND thành phố để thanh lý, phá dỡ tài sản trên đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.
Ngoài ra, còn 29 cơ sở nhà đất không có nhu cầu sử dụng, đề nghị thay đổi phương án sắp xếp lại, điều chuyển, chuyển giao về địa phương, bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất.
Có 7 cơ sở nhà đất trên địa bàn thành phố do cơ quan Trung ương quản lý nhưng hiện nay không sử dụng, đang để lãng phí. TP Hải Dương đã đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh sớm xử lý, đưa đất vào sử dụng, tránh lãng phí.
Hiện nay, trong tỉnh việc quản lý, sử dụng tài sản công là các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập tại một số địa phương còn hạn chế, chậm xây dựng phương án triển khai thực hiện. Việc TP Hải Dương tích cực rà soát, sắp xếp lại tài sản công và xây dựng phương án xử lý phù hợp sẽ góp phần phát huy hiệu quả sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách, tránh lãng phí.
PHAN ANH