TP Hải Phòng cho hay, Đề án đã được TP Hải Phòng thống nhất với UBND tỉnh Hải Dương.
Cụ thể, thành lập TP Hải Phòng trực thuộc Trung ương trên cơ sở hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại TP Thủy Nguyên, thuộc địa giới hiện nay của TP Hải Phòng.
Theo TP Hải Phòng, với vị trí then chốt về kinh tế, chính trị và quốc phòng, Thủy Nguyên được xem là cửa ngõ quan trọng mở ra vịnh Bắc bộ. Đặc biệt, kể từ ngày 1/1/2025, TP Thủy Nguyên chính thức được thành lập, dựa trên toàn bộ diện tích 269,10km2 và dân số 397.570 người của huyện Thủy Nguyên.
Hiện nay, Thủy Nguyên là nơi đặt 3 khu công nghiệp quy mô lớn, trong đó VSIP và Nam Cầu Kiền đã đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần không nhỏ vào ngân sách địa phương. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ các khu công nghiệp trên địa bàn ước đạt khoảng 20 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động.
Riêng trong năm 2024, thu ngân sách Nhà nước tại Thủy Nguyên ước đạt 8.953 tỷ đồng - nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu toàn TP Hải Phòng.
Sau hợp nhất, TP Hải Phòng (mới) đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đảm bảo định hướng về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Thành phố Hải Phòng (mới) có 3.194,7 km2 (đạt 212,98% so với tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương), quy mô dân số 4.664.124 người (đạt 466,41% so với tiêu chuẩn).
Lãnh đạo TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương họp bàn, thống nhất Đề án hợp nhất 2 địa phương
Các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề: Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang (tỉnh Bắc Ninh mới); Phía Nam giáp tỉnh Thái Bình (tỉnh Hưng Yên mới); Phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh; Phía Tây giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên.
Tại Đề án, TP Hải Phòng cho hay, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh tạo ra thay đổi tích cực, hướng đến nâng cao được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Cùng với đó, thông qua việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; Khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương.
Với tác động kinh tế, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh giúp các đơn vị hành chính mới có quy mô lớn, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương.
Tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế – xã hội; sắp xếp hợp lý nguồn lao động, tạo ra động lực mới cho sự phát triển.
Ngoài ra, việc sắp xếp, sáp nhập giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương và nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân; tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân;
Tạo điều kiện giải quyết tốt hơn các vấn đề về ô nhiễm môi trường, thu gom, xử lý chất thải, các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.
Sự tương đồng về các yếu tố tôn giáo, phong tục, tập quán và các mối quan hệ kinh tế, chính trị truyền thống giữa các cộng đồng dân cư của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp tạo điều kiện cho việc mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân.
TP Hải Phòng cho hay, trong vòng 3 năm, kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội về việc sáp nhập tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng có hiệu lực thi hành, UBND TP Hải Phòng hoàn thành việc việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả và không lãng phí.
Đồng thời nghiên cứu xây dựng các phương án đảm bảo điều kiện làm việc cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tỉnh Hải Dương bao gồm: hỗ trợ phương tiện đi lại, nhà ở, kết nối giao thông…
Ngân Tuyền