TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương rà soát tiến độ triển khai đề án sắp xếp, sáp nhập hành chính

TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương rà soát tiến độ triển khai đề án sắp xếp, sáp nhập hành chính
6 giờ trướcBài gốc
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay cả 3 địa phương đã hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trình Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đúng hạn theo quy định (trước ngày 1/5).
Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và Tỉnh ủy Bình Dương chủ trì hội nghị. Ảnh: CTV
Cụ thể, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 77 đơn vị hành chính cấp xã (gồm phường, xã, thị trấn); sau sắp xếp dự kiến còn 30 đơn vị, giảm 61%. Tỉnh Bình Dương từ 91 đơn vị dự kiến còn 36 đơn vị sau sắp xếp, tương ứng giảm 60%. TP.HCM, trước sáp nhập có 273 đơn vị cấp xã, nay sau khi HĐND thành phố thông qua nghị quyết, dự kiến còn 102 đơn vị, tỷ lệ giảm 63%.
Tổng cộng, số đơn vị hành chính cấp xã mới tại TP.HCM sau sắp xếp là 168, bao gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu; giảm 61,9% so với con số ban đầu là 441 đơn vị.
Ba địa phương đã thống nhất nguyên tắc đặt tên các đơn vị hành chính mới, đảm bảo không trùng lặp trong phạm vi toàn thành phố sau sắp xếp, tạo thuận lợi cho quản lý hành chính, dữ liệu dân cư và đất đai.
Việc đặt tên được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm yếu tố lịch sử, văn hóa và bản sắc từng địa phương. Các tên gọi tiêu biểu được lựa chọn như: phường Sài Gòn, phường Chợ Lớn, phường Gia Định (TP.HCM); phường Bà Rịa, phường Vũng Tàu, xã Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu); phường Bình Dương, phường Thủ Dầu Một, phường Thuận An, phường Dĩ An (tỉnh Bình Dương)...
Trong khuôn khổ hội nghị, 3 địa phương cũng đã rà soát, trao đổi và góp ý về đề án sắp xếp hành chính cấp tỉnh, gồm việc bố trí trụ sở hành chính, sử dụng tài sản công và tổ chức nhân sự. Đề án hợp nhất TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã được bổ sung, hoàn chỉnh để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả sau hợp nhất.
Ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV
Theo đề xuất, trụ sở chính trị - hành chính sẽ đặt tại TP.HCM, đồng thời duy trì hai cơ sở tại Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trong giai đoạn đầu nhằm bảo đảm hoạt động ổn định. Về lâu dài, các phương án bổ sung sẽ tiếp tục được nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Một nguyên tắc quan trọng được thống nhất là đảm bảo sự ổn định tâm lý, công tác và phát triển chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Lực lượng nhân sự có năng lực, trình độ cao sẽ tiếp tục được trọng dụng và tạo điều kiện phát triển trong bộ máy hành chính sau khi sắp xếp.
Liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp giai đoạn 2025 - 2030, 3 địa phương thống nhất xây dựng báo cáo tổng hợp về đội ngũ cán bộ hiện hữu. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác luân chuyển, điều động cán bộ từ cấp tỉnh, thành phố về công tác tại các đơn vị hành chính mới thành lập.
Tại những địa bàn có quy mô dân số lớn, tổ chức Đảng mạnh và đóng vai trò động lực phát triển kinh tế, có thể bố trí các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh, thành phố giữ vai trò Bí thư cấp xã để bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, hiệu quả và nhất quán trong thời kỳ đầu tái tổ chức.
TH
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/tp-hcm-ba-ria-vung-tau-va-binh-duong-ra-soat-tien-do-trien-khai-de-an-sap-xep-sap-nhap-hanh-chinh-317874.html