Chiều 4-12, tại Hội nghị lần thứ 34 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có những đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội TP.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP cần 4,4 triệu tỉ đồng để đạt tăng trưởng 10% vào năm 2025. Ảnh: THUẬN VĂN
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết dự kiến năm 2024, kinh tế TP.HCM tăng trưởng 7,17% nhưng với điều kiện tỉ lệ giải ngân đầu tư công phải đạt từ 80% trở lên và phải rất tập trung, sát sao từng ngày từng việc.
Tháng 12 này, các ngành, các địa phương tập trung hoàn thiện tất cả công việc với kết quả cao nhất để nâng cao các chỉ số, trong đó có chỉ số tăng trưởng. Từ đó, tạo điều kiện cho TP.HCM tăng trưởng kinh tế hai con số vào năm 2025.
Theo ông Mãi, TP.HCM đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2025 là 9-10%, có nhiều ý kiến cho rằng chỉ tiêu này cao và thực tế đúng là cao và thách thức. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ 2020-2025 thì năm 2025 phải đạt 9,3%.
Do đó, mục tiêu 9-10% GRDP là mục tiêu kép vừa thực hiện chỉ đạo của Trung ương, vừa thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11.
“Muốn đạt 9-10% thì huy động nguồn lực thế nào, động lực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu ra sao; động lực mới từ đâu, giải pháp giải phóng nguồn lực, huy động thêm nguồn lực…” – ông Mãi gợi ý.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế từ 2025 phải hướng đến hai con số và từ nhiệm kỳ sau phải đạt hai con số. Ảnh: THUẬN VĂN
Tuy nhiên, Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng đánh giá hạn chế cần tập trung giải quyết là công tác lãnh đạo, điều hành của Thường trực UBND TP, biểu hiện ở việc không lượng nhiệm vụ chưa hoàn thành, hoàn thành chưa đúng tiến độ, chưa đảm bảo chất lượng.
Ông nhìn nhận việc giải quyết công việc tồn đọng có tập trung nhưng giải quyết rất nhiều lần, mất rất nhiều thời gian khiến nguồn lực bị “chôn” ở đây. “Nếu giải quyết được chỗ nguồn lực này thì việc đóng góp cho tăng trưởng hai con số là chuyện rất khả thi” – ông nói.
Ông Phan Văn Mãi gợi ý nếu giải phóng hơn 7.000 căn nhà ở Thủ Thiêm, giải quyết vấn đề tài sản của doanh nghiệp nhà nước, tài sản công, các dự án xã hội, vướng mắc đầu tư công… sẽ mang về nguồn lực rất lớn.
“Chúng tôi hình dung hàng trăm nghìn tỉ đồng sẽ chảy vào nền kinh tế, tác động lan tỏa, tạo công ăn việc làm, giúp tăng trưởng kinh tế” – ông Mãi chia sẻ.
Trong năm 2025, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị phải tập trung cao độ để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu. “Tăng trưởng từ 2025 phải hướng đến hai con số và từ nhiệm kỳ sau phải đạt hai con số” – ông nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết TP cần 4,4 triệu tỉ đồng để có thể đạt tăng trưởng 10% giai đoạn 2025-2030. Trong đó, huy động từ đầu tư công chỉ khoảng 1,1 triệu tỉ đồng; từ thu thuế chỉ khoảng 500.000 tỉ đồng. Còn lại phải vay nợ, làm TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), rà soát các tài sản do doanh nghiệp nhà nước quản lý, tài sản công với hơn 10.000 địa chỉ nhà đất công đang cần quản lý.
Trong sắp xếp tinh gọn bộ máy, TP cũng sắp xếp các trụ sở của sở, ngành, thanh lý nhà đất để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đáng chú ý, sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung TP Thủ Đức, quy hoạch chung TP.HCM, TP sẽ triển khai tiếp các quy hoạch phân khu, thu hút đầu tư, sớm triển khai các dự án như Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, Khu đô thị Tây Bắc, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, các công trình dọc sông Sài Gòn…
Phân cấp, ủy quyền mạnh hơn
Đối với sắp xếp tinh gọn bộ máy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết việc sắp xếp sẽ gắn với xác định lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn.
“Như sáp nhập Sở TN&MT với Sở NN&PTNN thì mảng nông thôn giao về huyện được không? Tất cả chuyện này phải nghiên cứu, xác định lại sự phối hợp để quá trình thực thi không phải chồng chéo hay bị bỏ trống” – ông Mãi gợi ý và nhìn nhận vẫn phải làm rõ quy trình để tránh ách tắc.
Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định UBND TP.HCM sẽ thực hiện sắp xếp đúng chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy. Đi cùng đó là tái cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ, hiện đại hóa nền hành chính.
LÊ THOA
THANH TUYỀN