UBND TP.HCM vừa có đề án sắp xếp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM.
Sau sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, TP.HCM mới có 168 ĐVHC cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu.
Chính quyền địa phương TP.HCM mới chính thức đi vào hoạt động chậm nhất ngày 15-9 và chính quyền địa phương cấp xã mới đi vào hoạt động ngày 15-8.
TP.HCM: Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện sẽ bố trí làm nòng cốt tại cấp xã mới. Ảnh: NGUYỆT NHI
Lãnh đạo cấp huyện làm nòng cốt cho cấp xã
Theo đề án, TP.HCM dự tính bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã và kết thúc nhiệm vụ cấp huyện.
Cụ thể, đối với cán bộ (bao gồm Chủ tịch HĐND cấp xã, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã và 2 ban chuyên môn của HĐND cấp xã): Căn cứ theo các tiêu chuẩn quy định về công tác cán bộ, thực hiện lựa chọn những người đảm bảo đủ tiêu chuẩn để bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo theo quy định.
Trong đó, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các ĐVHC cấp xã mới.
Đối với biên chế cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp bố trí đủ vào số lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp xã sau sắp xếp.
Thực hiện điều động, bố trí công chức cấp huyện theo hướng dẫn của Trung ương giữ các vị trí chủ chốt tại các phòng thuộc ĐVHC cấp xã mới thành lập; tăng cường một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh về cấp xã (nếu cần).
Đối với công chức tại UBND cấp huyện: Thực hiện bố trí công tác tại các ĐVHC cấp xã mới thành lập.
“Tiêu chuẩn bố trí công chức chuyên môn, nghiệp vụ tại cấp xã phải đáp ứng tiêu chuẩn trình độ đào tạo theo yêu cầu vị trí việc làm đối với công chức cấp huyện trở lên theo quy định” – TP.HCM nêu rõ.
Đối với việc kết thúc nhiệm vụ và sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, giao chính quyền cấp xã mới sau sắp xếp làm việc với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trước sắp xếp ĐVHC và xem xét bố trí tham gia công tác tại khu phố (thôn, tổ dân phố). Đồng thời, thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.
Đối với viên chức, giao UBND cấp xã mới thành lập quản lý số lượng viên chức tại các đơn vị trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non và trạm y tế trú đóng trên địa bàn.
Giữ nguyên số lượng biên chế viên chức tại các trạm y tế ở các ĐVHC cấp xã trước sắp xếp. Chuyển giao viên chức tại Trung tâm y tế cấp huyện về trực thuộc Sở Y tế quản lý theo mô hình tổ chức bộ máy.
Đối với các viên chức thuộc các lĩnh vực khác thực hiện theo quy định về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
“Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, tạm thời vẫn giữ ổn định số lượng biên chế, nhân sự đang có mặt tại các cơ quan, đơn vị để rà soát, sắp xếp, bố trí thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của TP.HCM. Trên cơ sở định hướng của Trung ương, TP sẽ có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về lộ trình tinh giản biên chế công chức hành chính và giảm số lượng người làm việc để đảm bảo thực hiện đúng tỷ lệ giảm do Trung ương quy định” - đề án nhấn mạnh.
Sau sắp xếp, cấp xã còn hơn 11.300 cán bộ, công chức
Về số biên chế được giao năm 2025 của TP.HCM, khối sở - ngành có hơn 43.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tại khối quận - huyện, TP, chuyển 4.946 biên chế công chức được giao năm 2025 để bố trí biên chế cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các ĐVHC cấp xã mới.
Đồng thời, chuyển 95.613 biên chế viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước được giao năm 2025 để bố trí vào biên chế viên chức cấp xã đối với các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cấp huyện được giao cho cấp xã được thành lập sau sắp xếp quản lý.
Tại khối phường - xã, thị trấn, chuyển biên chế 11.342 cán bộ, công chức tại UBND cấp xã hiện nay vào biên chế cấp xã sau sắp xếp ĐVHC.
Đối với 9.732 người hoạt động không chuyên trách thực hiện giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.
Như vậy, tổng số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp xã sau sắp xếp là 11.342 cán bộ, công chức.
Cũng theo đề án, đối với các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, xây dựng đề án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sắp xếp thanh tra cấp tỉnh theo định hướng sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tin, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đồng bộ với sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh.
Sắp xếp các đài truyền thanh, truyền hình cấp tỉnh và các cơ quan, báo của đảng bộ cấp tỉnh đồng bộ với sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh (có đề án riêng).
Tổ chức lại các cơ quan chuyên môn của TP.HCM mới trên cơ sở sắp xếp nguyên trạng các sở và cơ quan hành chính của ba địa phương. TP.HCM mới còn 15 sở và tương đương, một Sở An toàn thực phẩm thí điểm theo Nghị quyết 98/2023. Đồng thời, giữ nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập (có đề án sắp xếp riêng).
Tổng công ty Nhà nước ưu tiên tuyển dụng cán bộ, công chức
Để tinh giản biên chế theo lộ trình, TP.HCM hỗ trợ kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Thông tin, chỉ đạo các tổng công ty, công ty Nhà nước thuộc phạm vi TP quản lý tăng cường rà soát, xem xét ưu tiên tuyển dụng (nếu có nhu cầu) đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư có đủ trình độ, năng lực và đáp ứng tiêu chí, yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Nghiên cứu, hỗ trợ kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm trong khu vực tư cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không tiếp tục công tác trong hệ thống chính trị TP; hỗ trợ chuyển đổi việc làm, tạo điều kiện sử dụng và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực của TP.
LÊ THOA