Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự báo nhu cầu nhân lực của thành phố trong năm 2025 cần từ 310 ngàn - 330 ngàn lao động. Trong đó, quý I cần khoảng 79 ngàn - 84 ngàn chỗ làm việc, quý II là 77 ngàn - 82 ngàn, quý III khoảng 75.500 - 80.500 và quý IV cần khoảng 78.500 - 83.500 chỗ làm việc.
Về cơ cấu theo khu vực kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung cao nhất ở khu vực thương mại - dịch vụ (chiếm 67,7% tổng nhu cầu); khu vực công nghiệp - xây dựng (chiếm 31,8%), thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 0,5%...
Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 18.6% và nhu cầu nhân lực tập trung ở các lĩnh vực như: cơ khí, hóa dược, chế biến lương thực phẩm, sản xuất hàng điện tử… Ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,91% và nhu cầu nhân lực và tập trung ở các lĩnh vực như: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và các loại xe có động cơ khác; thông tin và truyền thông; hoạt động kinh doanh bất đông sản; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cùng các dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội…
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 88,11%. Trong đó, nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp chiếm 34,61%; kế đến là trung cấp chiếm 20,14%; đại học trở lên chiếm 18,76%; cao đẳng 14,6% và lao động phổ thông chiếm 11,89%.
Trong năm 2024, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đã giới thiệu việc làm cho 32 ngàn lượt người và số người nhận việc làm là 10 ngàn người
Trên cơ sở phân tích thị trường lao động, Trung tâm khuyến nghị các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp, ứng dụng công nghệ trong việc kết nối việc làm, phát triển nền tảng trực tuyến kết nối lao động và doanh nghiệp nhanh chóng.
Đồng thời, tăng cường vai trò tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sự kiện ngày hội việc làm, hội thảo định hướng nghề nghiệp; đặc biệt, hỗ trợ cho các nhóm lao động dễ tổn thương, hỗ trợ người thất nghiệp, hỗ trợ thanh niên và lao động trẻ.
Đối với doanh nghiệp, cần thúc đẩy công tác đào tạo nội bộ, đào tạo tại chỗ, hợp tác đào tạo để nâng cao kỹ năng chuyên môn của người lao động; bám sát yêu cầu công việc tại doanh nghiệp và nâng cao chất lượng, năng suất lao động trong doanh nghiệp.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần quan tâm phúc lợi và tạo môi trường làm việc thân thiện, linh hoạt, lương, thưởng cạnh tranh nhằm thu hút và giữ chân người lao động. Cùng với đó, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của người lao động để giúp họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống, an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Nguyễn An