TP.HCM trước thềm kỷ nguyên mới đang mang trên vai trọng trách quan trọng: Xây dựng và vận hành Trung tâm tài chính (IFC) quốc tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Trao đổi về mục tiêu này của TP.HCM, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhìn nhận, TP hoàn toàn có đủ điều kiện, cơ sở và khát vọng để thực hiện nhưng cần nhiều cơ chế vượt trội, chính sách thu hút nguồn lực, đào tạo nhân lực lĩnh vực tài chính, công nghệ, phải xây dựng được khung pháp lý hoàn chỉnh cho Trung tâm tài chính.
Thời gian qua, TP.HCM tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo quy tụ các chuyên gia để nghe hiến kế việc xây dựng Trung tâm tài chính. Ảnh: PLO
Khát vọng xây dựng Trung tâm tài chính hoàn toàn có cơ sở
. Thưa giáo sư, việc xây dựng Trung tâm tài chính đã được đề cập từ lâu và đâu là những yếu tố cốt lõi để đạt được mục tiêu này?
+ GS.TS NGUYỄN TRỌNG HOÀI: Theo kinh nghiệm của các IFC đã tồn tại 2-3 thập niên trên thế giới và Châu Á, theo nhiều nghiên cứu đã tổng kết thì có khoảng 10 yếu tố mang tính quyết định cho việc hình thành và phát triển bền vững IFC. Với bối cảnh Việt Nam, các yếu tố cốt lõi quyết định cho sự thành công IFC bao gồm các nhóm sau.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố Nghị quyết về xây dựng Trung tâm tài chính tại TP.HCM hồi tháng 1-2025. Ảnh: PLO
Đầu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam đã có một nền tảng vững chắc yếu tố này, duy trì bền vững trong 4 thập niên sau đổi mới. Cụ thể, thu hút FDI tăng về số lượng và chất lượng, quy mô kinh tế từ sau 1986 đến nay tăng hơn 60 lần và nằm trong top 5 các quốc gia Châu Á có quy mô tăng GDP nhanh nhất, tỷ giá hối đoái ổn định, lạm phát kiểm soát và tăng trưởng nằm ở top cao Châu Á.
Yếu tố cốt lõi thứ hai, là kết nối toàn cầu. Bất kỳ các quốc gia hiện đã có IFC đều có vai trò trung tâm kết nối với các quốc gia và thành phố khác toàn cầu thuận tiện, nhanh và hiệu quả qua đường hàng không, đường biển; kết nối kinh tế qua đầu tư trực tiếp FDI và đầu tư gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán; kết nối khu vực qua quan hệ ngoại giao với các đối tác qua các HIệp định thương mại tự do FTA trong khu vực và toàn cầu.
Việt Nam hội đủ các điều kiện này vì nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam Á.
Cùng đó, sự phát triển của nền kinh tế thực (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) đủ mạnh để tập hợp được dòng hàng hóa xuất nhập khẩu từ FDI, từ doanh nghiệp trong nước, có tiềm năng kinh tế đủ mạnh tạo ra một nhu cầu về sản phẩm tài chính đa dạng như trái phiếu, cổ phiếu... trao đổi ngoại hối đa dạng nhiều đồng tiền...
Hiện nay quy mô kinh tế Việt Nam gần 500 tỷ đô la, độ mở nền kinh tế hơn 200% nên tiềm năng từ kinh tế thực hoàn toàn có thể thúc đẩy hình thành IFC.
Hơn nữa, cơ sở hạ tầng mềm hay môi trường pháp lý cho IFC, hình thành IFC từng bước hình thành. Đây đều là những cơ sở quan trọng để hình thành Trung tâm tài chính.
.Với kinh nghiệm nghiên cứu của mình, ông đánh giá như thế nào về sức hấp dẫn của TP.HCM đối với các nhà đầu tư nước ngoài?
+ IFC cho TP.HCM là có cơ sở vì trong 4 yếu tố cốt lõi nói chung của IFC đã nói trên thì TP.HCM đã hội đủ ít nhất 3 yếu tố (ổn định vĩ mô; kết nối toàn cầu, tiềm năng từ các ngành kinh tế thực). Ngoài ra, còn một yếu tố quan trọng chung của các IFC toàn cầu và Châu Á mà TP.HCM có tiềm năng là yếu tố hạ tầng kỹ thuật và con người.
TP.HCM có sự ổn định về tiềm lực kinh tế và sự ủng hộ chính trị của Trung ương, Chính phủ. Về kinh tế, TP.HCM sau 50 năm đất nước thống nhất và sau gần 40 năm đổi mới thì vẫn xứng đáng là địa phương có động lực tăng trường và phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tích như thu hút FDI sớm nhất cả nước, công nghiệp hóa sớm nhất cả nước, liên tục dẫn đầu Đông Nam Bộ đóng góp GRDP và ngân sách của cả nước với tỉ trọng cao...
Về ủng hộ chính trị, TP.HCM là nơi mà Trung ương và Chính phủ đưa ra nhiều kỳ vọng qua Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội. Đầu năm 2025, Chính phủ đã chính thức công bố chủ trương thành lập IFC cho TP.HCM, hiện thực hóa ý tưởng đã hình thành cách đây 2 thập niên.
Nhìn từ kết nối quốc tế, TP.HCM có điểm mạnh khá rõ nét. Thành phố nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, gần các nền kinh tế phát triển như Singapore, Thái Lan, và Malaysia. Đặc biệt so với các quốc gia này thì vị trí TP.HCM ở vị trí địa lý trung tâm, không chỉ giúp địa phương dễ dàng kết nối với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương và trao đổi vốn quốc tế.
Hệ thống giao thông của TP, với cảng biển và sân bay quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo dòng chảy hàng hóa và dịch vụ tài chính xuyên biên giới.
Cụ thể, đường hàng không thì với thời lượng bay từ 2-3 giờ bay kết nối hầu hết các quốc gia phát triển Châu Á đã hình thành IFC, về đường biển thì Việt Nam và đặc biệt TP.HCM có độ mở kinh tế thông qua tổng quy mô kim ngạch xuất, nhập khẩu cao và duy trì bền vững từ lâu 200-250% GDP/GRDP.
Đặc biệt, TP.HCM còn định hướng cho Cần Giờ trong tương lai trở thành Cảng biển trung chuyển quốc tế, TP.HCM cũng kết nối tốt với sân bay Long Thành sắp vận hành cũng là cảng hàng không trung chuyển quốc tế Cần Giờ...
Sức mạnh kinh tế vốn có từ các ngành công nghiệp, dịch vụ của TP.HCM chiếm tỉ trọng cao trong GDP cả nước, và là nơi tiến hành công nghiệp hóa sớm, thu hút FDI số lượng và chất lượng cao của cả nước.
Đây cũng là trung tâm dịch vụ lớn nhất của cả nước. Chính phủ đã đặt kỳ vọng TP.HCM sẽ trở thành Trung tâm dịch vụ lớn, hiện đại có giá trị gia tăng cao, và ở đó dịch vụ tài chính ngân hàng, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, dịch vụ logistics đang có thế mạnh hiện tại và trong phát triển tương lai.
Điều này tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp trong nước và nước ngoài năng động, nơi các công ty trong và ngoài nước có thể hợp tác, phát triển và đổi mới sáng tạo. TP.HCM về tiềm năng như vậy đủ năng lực nội tại kiến tạo dòng hàng hóa luân chuyển quốc tế, dòng dịch vụ tài chính quốc tế đa dạng hình thành IFC.
Yếu tố quan trọng nữa mà TP.HCM có đủ điều kiện tiềm năng cho IFC là cơ sở hạ tầng về số và con người. Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, TP.HCM trong các năm gần đây dẫn đầu về chuyển đổi số; đặc biệt là hạ tầng số và thể chế số, đóng góp kinh tế số vào GRDP hơn 20%.
Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một điểm mạnh của TP.HCM. Với dân số trẻ, được đào tạo bài bản từ các trường đại học hàng đầu hiện có ở TP.HCM và các chương trình hợp tác quốc tế, Tp.hcm có khả năng cung cấp lực lượng lao động phù hợp cho các ngành Fintech, CNTT, AI, Big Data, an ninh mạng, quản trị rủi ro quốc tế.
Kèm theo đó là sự hiện diện các Startup trong lĩnh vực Fintech cũng là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong tài chính, giúp TP.HCM nhanh chóng thích nghi với các xu hướng toàn cầu.
Thách thức lớn bởi cạnh tranh với các nước
. Nhưng TP.HCM cũng đang đối mặt với những rào cản nhất định để hoàn thành nhiệm vụ này. Đó là gì, thưa ông?
+ Rào cản đầu tiên và cũng rõ nhất là sự quá tải về hạ tầng giao thông so với một siêu đô thị. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc thu hút các tập đoàn lớn về công nghệ và tài chính trong tương lai khi mà các IFC đang tồn tại và phát triển mạnh ở Đông Nam Á như Singapore, HongKong, Kuala Lumpua Malaysia.
Tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm, ngập nước và thách thức hình thành không gian riêng biệt khu trung tâm tài chính đạt chuẩn quốc tế là những rào cản cần được khắc phục. Cho dù chúng ta có không gian tài chính hiện hữu ở quận 1, dự kiến quy hoạch Thủ Thiêm nhưng tính kết nối chưa hoàn chỉnh.
Trung tâm tài chính được kỳ vọng là động lực thúc đẩy kinh tế trong nhiều năm tới. Ảnh: PLO
Các dự án lớn như sân bay Long Thành tạo điều kiện trung chuyển quốc tế, hay dự án siêu cảng Cần Giờ vẫn đang là rất mới. Dù hai dự án này có hình thành thì việc kết nối giao thông còn là một vấn đề lớn đặt ra.
Hơn nữa, đã có khá nhiều IFC ở gần TP.HCM. Thế nên chúng ta cần phải đầu tư có tính đột phá để khi hình thành IFC có chiến lược cạnh tranh thu hút dòng vốn, các tập đoàn lớn về kinh tế và tài chính, các tài năng về công nghệ và tài chính.
Về chỉ số kết nối toàn cầu thì hiện nay Singapore dẫn đầu ở vị trí thứ 5, Kulalumpua ở vị trí 55 và TP.HCM mặc dù có kết nối rất tốt với khu vực Đông Nam Á và thế giới nhưng thứ hạng ngoài 100.
Xét về chỉ số chất lượng sống để từ đó biết về khả năng thu hút dòng vốn tài chính, tập đoàn, tài năng thì chỉ số chất lượng sống của Singapore và Kulalumpua vẫn cao hơn Việt Nam.
Từ hai chỉ số kết nối toàn cầu và chất lượng sống dẫn đến TP.HCM chỉ số hình thành IFC ngoài 100, trong khi đó, Singapore/Kulalumpua nằm trong Top 5-50. Đây là thách thức lớn nhất khi hình thành IFC cho TP.HCM.
Dần kiến tạo một khung pháp lý hoàn chỉnh cho IFC
. Vậy những chính sách lớn như hiện nay, hay các đặc quyền về cơ chế quản lý tài chính liệu có đủ sức tạo nên sự bứt phá cần thiết cho TP.HCM?
+ Nghị quyết 98 tiếp tục tạo ra một cơ chế vượt trội cho TP.HCM trong đó có 3 thành tố quan trọng góp phần thúc đẩy hình thành IFC, như: nâng cao vai trò quan trọng của công ty đầu tư tài chính TP.HCM HUFIC trong quá trình thu hút và phân bổ các nguồn vốn phù hợp với chiến lược kinh tế xã hội; cơ chế tài chính thu hút các nguồn đầu tư giảm phát thải nhà kính và thị trường tín chỉ carbon; thu hút các nhà đầu tư chiến lược về công nghệ.
Các thành phần này đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình xây dựng IFC với mục tiêu tăng cường thu hút dòng vốn quốc tế phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố cốt lõi hình thành IFC là khung pháp lý vừa đảm bảo các thành tố IFC hoạt động theo Hệ thống quy định tài chính quốc tế thì Nghị quyết 98 chỉ là một bước đi đầu tiên.
Chúng ta có thể có tiềm năng, thế mạnh lấp các khoảng cách về cơ sở hạ tầng hạ tầng kỹ thuật và công nghệ cho IFC. Tuy nhiên, khung pháp lý vận hành IFC đối với Việt Nam là hoàn toàn mới và phải xây dựng gần như từ đầu.
Đầu tiên là hệ sinh thái chính sách vận hành thị trường tài chính và thị trường tiền tệ trong bối cảnh IFC đối với các thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ phải đảm bảo được an ninh tài chính quốc gia và tuân thủ Hệ thống quy định tài chính quốc tế (như IFRS), tiềm lực kinh tế đủ mạnh, quản trị tỷ giá hối đoái ổn định, cân đối vĩ mô nhằm giảm thiểu rủi ro dẫn đến khủng hoảng tiền tệ.
Cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật dữ liệu lớn, dữ liệu đám mây phục vụ cho các giao dịch IFC sẽ phải có một hệ sinh thái đảm bảo an toàn, an ninh mạng...
Vì vậy, theo tôi cần phải bổ sung những điểm then chốt.
GSTS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng TP.HCM đủ các yếu tố để thực hiện nhưng cần nhìn rõ các rào cản để định vị lại mình khi đặt trong mối quan hệ với các nước đã có IFC. Ảnh: THUẬN VĂN
IFC là khát vọng của cả Việt Nam chứ không riêng TP.HCM và là một sáng kiến mới với kỳ vọng tạo động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới nên phải có sự lãnh đạo của Trung ương và Chính phủ cùng các bộ ngành cùng với TP.HCM theo cách tiếp cận của 'sandbox', vì đây là một sáng kiến mới và chưa có trong tiền lệ trong quá trình phát triển.
Từ cơ chế thử nghiệm này phải dần dần kiến tạo một khung pháp lý hoàn chỉnh cho IFC phù hợp với bối cảnh trong nước và của TP.HCM. Cơ chế vượt trội từ khung pháp lý này phải đạt được các yêu cầu. Đó là tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái IFC theo Hệ thống quy định tài chính quốc tế.
Chú trọng thu hút nguồn lực bổ sung cho quá trình phát triển nền kinh tế thực nhằm nâng cao năng suất và tạo ra động lực mới cho tăng trưởng. Quản trị rủi ro góp phần ổn định kinh tế vĩ mô khi từng bước nới lỏng tài khoản vốn đảm bảo tăng trưởng dài hạn và bền vững.
Thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của TP.HCM với sự dẫn đầu của dịch vụ theo tiếp cận TP.HCM đóng vai trò Trung tâm dịch vụ lớn, quốc tế, hiện đại, có giá trị gia tăng cao.
Cấp bách đào tạo chuyên gia tài chính- công nghệ
. Vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và công nghệ, sẽ quan trọng như thế nào đối với hành trình này?
+ Nguồn nhân lực am hiểu về tài chính, công nghệ, Fintech, AI, Big Data, an ninh mạng, quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng liên quan đến tài chính quốc tế... thì Việt Nam có nhiều tiềm năng được đào tạo từ nhiều nguồn từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là TP.HCM có nhiều trường đại học có năng lực đào tạo rất tốt các lĩnh vực này.
Tuy nhiên việc trải nghiệm vận hành IFC liên quan đến các thị trường tài chính, lưu chuyển vốn, các dòng tiền mã hóa thì ở nước ta hay TP.HCM chưa thực sự có trải nghiệm toàn diện, bởi các loại giao dịch này chỉ chín muồi khi có IFC.
Do đó trong thời gian tới cần đào tạo các chuyên gia tài chính- công nghệ, Fintech trong nước dựa trên mô phỏng gần như trạng thái thực. Đồng thời phải có một cơ chế vượt trội thu hút các tài năng thuộc các lĩnh vực tài chính- công nghệ, Fintech vào Việt Nam và TP.HCM theo hướng trực tiếp vận hành, chuyển giao.
Muốn được như vậy thì phải có cơ chế vượt trội thu hút tài năng liên quan đến thuế thu nhập, visa, môi trường đảm bảo chất lượng sống và làm việc tương đương với các quốc gia có IFC như Hongkong, Singapore, Kulalumpua.
.Ở góc độ quốc tế, TP.HCM cần nhìn rõ điểm mạnh, yếu ra sao để cạnh tranh với các trung tâm tài chính lớn khác trong khu vực như Singapore, Hong Kong hay Thượng Hải?
+ Xét về tiềm năng thì TP.HCM có các lợi thế nhất định. Tuy nhiên, các chỉ số thành phố thông minh, chỉ số thành phố toàn cầu, chỉ số chất lượng sống và từ đó là chỉ số IFC thì TP.HCM (Top 100) có khoảng cách khá đáng kể so với Singapore (Top 5), Kulalumpua (Top 50).
TP.HCM cần cải thiện ba chỉ số này để nâng cao chỉ số IFC của TP.HCM. Singapore và các quốc gia khác có IFC đang dẫn đầu còn TP.HCM nằm ngoài Top 100, nên việc cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, và hạ tầng kết nối quốc tế, đặc biệt là sử dụng các tiến bộ công nghệ giải quyết các ách tắc một siêu đô thị như TP.HCM là rất quan trọng.
Cần phải tập trung vào các vấn đề tắc nghẽn, môi trường, sức khỏe, an toàn, di chuyển thuận tiện. Các cơ chế chính sách hướng đến thành phố thông minh, toàn cầu, kết nối chú trọng đến cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chất lượng sống, tạo cơ hội tốt cho người dân, nhà đầu tư, và doanh nghiệp trong và ngoài nước với kỳ vọng tăng tính kết nối thu hút tài năng, tập đoàn công nghệ, tập đoàn tài chính.
Từ đó thu hút nguồn lực bổ sung tạo động lực mới phát triển các ngành kinh tế thực mà TP.HCM đang có thế mạnh.
IFC được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới thông qua huy động nguồn lực mới phục vụ đổi mới sáng tạo và nâng cấp tiến bộ công nghệ theo xu hướng toàn cầu; góp phần thúc đẩy phát triển bền vững nền kinh tế thực bao gồm công nghiệp, dịch vụ.
Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho TP.HCM đến năm 2045-2050 đạt được thu nhập cao (cả nước có thu nhập cao, có nghĩa là vượt qua bẫy thu nhập trung bình) gấp 1,5 so với mức trung bình cả nước.
TP.HCM dù có nhiều thế mạnh tiềm năng, khát vọng IFC này hoàn toàn đúng và có cơ sở vì sáng kiến IFC đã thai nghén chuẩn bị gần hai thập kỷ.
Nhưng cần thẳng thắn phải nhìn nhận rằng khoảng cách với các IFC khác khá xa so với các quốc gia trong khu vực mà họ đã có IFC. Do vậy, cần có bước đi thận trọng: sandbox hoàn thiện khung pháp lý và các điều kiện theo hệ sinh thái IFC cần theo tiếp cận tuần tự từ thấp đến cao, đảm bảo từng bước bổ sung nguồn lực cho phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định vĩ mô trung và dài hạn.
Xin cảm ơn ông!
THANH TUYỀN thực hiện