TP.HCM: Cần mở rộng 'đường băng' cho các cơ chế đặc thù

TP.HCM: Cần mở rộng 'đường băng' cho các cơ chế đặc thù
7 giờ trướcBài gốc
TP.HCM trong hành trình 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất vào mùa xuân năm 1975 là địa phương được chọn áp dụng nhiều cơ chế đặc thù để đạt mục tiêu phát triển đột phá, vượt trội. Từ Nghị quyết 02 năm 1982 và đúng hai thập niên sau đó là Nghị quyết 20 năm 2002.
Tuyến vành đai 3 rõ hình hài qua đoạn TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Từ thời điểm này, cứ 10 năm Bộ Chính trị ra thêm một nghị quyết mới nhằm tạo điều kiện tốt nhất để TP.HCM phát triển xứng tầm (gồm Nghị quyết 16 năm 2012 và Nghị quyết 31 năm 2022). Quốc hội cũng đã hai lần ban hành những nghị quyết khác, gồm Nghị quyết 54 năm 2017 và sau đó được thay thế bằng Nghị quyết 98 đang có hiệu lực để TP phát huy hết tiềm năng.
TS NGUYỄN ĐỨC QUYỀN, chuyên gia quản lý công Học viện Cán bộ TP.HCM:
Đòn bẩy cho TP.HCM giải phóng tiềm năng
Cơ chế đặc thù xuất phát từ sự thấu hiểu sâu sắc vai trò và tiềm năng đặc biệt của TP.HCM đối với sự phát triển chung của cả nước. Đặc biệt, khi TP đang hướng đến kỷ nguyên mới với những mục tiêu vươn mình mạnh mẽ, vai trò của cơ chế đặc thù càng trở nên sống còn và mang tính quyết định. Cơ chế đặc thù không chỉ là đòn bẩy mà là luồng gió mới để TP.HCM loại bỏ những rào cản, giải phóng tiềm năng sẵn có, tạo không gian đột phá cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.
Đơn cử như việc trao quyền tự quyết lớn hơn trong quản lý tài chính, quy hoạch đô thị, thu hút đầu tư, giúp TP.HCM chủ động kiến tạo tương lai. Hay với tầm nhìn là trung tâm tài chính quốc tế, cơ chế đặc thù tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút nhân tài, công nghệ và vốn đầu tư, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên kinh tế số.
Đặc biệt, trong bối cảnh sáp nhập mở rộng TP.HCM, cơ chế đặc thù càng đóng vai trò xương sống để đồng bộ hóa quy hoạch và phát triển nhanh hơn, giúp TP.HCM định hình một không gian đô thị thống nhất, hài hòa, tránh tình trạng phát triển cục bộ, rời rạc. Đồng thời, tối ưu hóa nguồn lực đất đai, tài chính, nhân lực trên toàn vùng đô thị mở rộng; tạo cơ sở pháp lý và cơ chế phối hợp hiệu quả để giải quyết các thách thức chung như giao thông, môi trường, an ninh trật tự... Bên cạnh đó, cơ chế đặc thù cho TP.HCM còn như một “áo giáp” kiên cố và “vũ khí” lợi hại, tăng cường đáng kể sức đề kháng và khả năng ứng phó linh hoạt, chủ động của TP.HCM trước những “bão táp” bên ngoài.
Có thể nói, trao cơ chế đặc thù đã là trao thêm đôi cánh nhưng để “con hổ” TP.HCM thực sự bay lên, điều cốt yếu là phải trao thêm năng lượng và mở rộng “đường băng” cho cơ chế ấy. Chính vì vậy, Trung ương không chỉ ban hành cơ chế đặc thù cho TP.HCM mà cần “ươm mầm” để cơ chế đặc thù bén rễ sâu trong thực tiễn. Cần có sự hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để TP.HCM tự tin và linh hoạt vận dụng cơ chế đặc thù.
PGS-TS ĐỖ PHÚ TRẦN TÌNH, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐHQG-HCM trực thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM):
Từ Nghị quyết 98 đến “khu vực ưu đãi đặc biệt”
Sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 98, TP.HCM đã mạnh dạn thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong năm lĩnh vực trọng yếu: Đầu tư, tài chính - ngân sách, quản lý đô thị - tài nguyên môi trường, tổ chức bộ máy chính quyền và khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết cũng giúp TP tiếp cận các cơ chế đột phá như quy định về mẫu công bố thông tin để thu hút nhà đầu tư chiến lược, quy mô tối thiểu của các dự án hợp tác công - tư (PPP), danh mục dự án BOT, quy chế thu và sử dụng phí hạ tầng trong các khu công nghiệp - khu chế xuất, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, quản lý đô thị và môi trường; đang xây dựng các cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hình thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.
Cơ chế đặc thù xuất phát từ sự thấu hiểu sâu sắc vai trò và tiềm năng đặc biệt của TP.HCM đối với sự phát triển chung của cả nước.
Đáng chú ý, Nghị quyết 98 đang được hiện thực hóa qua loạt dự án trọng điểm như tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 hay các dự án mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Qua đó cho thấy TP.HCM rất quyết liệt tận dụng “bàn đạp thể chế” để phát triển.
Tuy nhiên, TP.HCM còn nhiều dư địa từ Nghị quyết 98. Điển hình như việc áp dụng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư chiến lược với quy trình đơn giản hơn và ưu đãi tốt hơn vẫn còn gặp rào cản về điều kiện cam kết giải ngân của nhà đầu tư. Hay như việc dùng ngân sách hỗ trợ các địa phương khác thực hiện các dự án liên vùng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục triển khai. Các quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự án PPP tại TP Thủ Đức cũng chưa rõ…
Ngoài ra, cần kiến nghị bổ sung các cơ chế vượt trội hơn như mở rộng quyền chủ động trong thu hút đầu tư chiến lược và hợp tác công - tư (PPP); cho phép áp dụng mô hình quản lý phát triển vùng đô thị theo cụm ngành, cụm công nghệ; triển khai thử nghiệm các mô hình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên diện rộng. Hơn nữa, TP.HCM cũng cần được trao quyền thí điểm như khu vực ưu đãi đặc biệt.
Có thể ví dụ như TP.HCM thí điểm thành lập “khu vực ưu đãi đặc biệt về đầu tư kinh tế số, nghiên cứu phát triển (R&D) và TP thông minh”, đồng thời được trao quyền quyết định đầu tư cho các dự án giảm nghèo, tạo việc làm và phát triển đô thị theo mô hình TOD quanh các trạm giao thông lớn.
TS TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM:
Cần thêm cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư
TP.HCM có lợi thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhưng việc sử dụng các cơ chế ưu đãi để thu hút các tập đoàn công nghệ cao hoặc đầu tư chiến lược vẫn chưa phát huy hiệu quả tối đa. Ví dụ, các dự án hạ tầng lớn như metro hay đô thị thông minh chưa đạt được tiến độ mong muốn. Dư địa trong việc áp dụng công nghệ thông minh vào quản lý giao thông hoặc quy hoạch đô thị còn rất rộng lớn.
TS LÊ HỮU PHƯỚC, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM:
Tiềm năng để TP.HCM cạnh tranh toàn cầu
Trong vòng 40 năm (1982-2022), bốn nghị quyết của Bộ Chính trị về TP.HCM đã thể hiện đầy đủ vai trò, vị thế ngày càng quan trọng của TP trên tất cả lĩnh vực. Trong 20 năm đầu, Nghị quyết 01 và Nghị quyết 20 xác định TP.HCM từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á, đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước.
Với Nghị quyết 16, TP được nâng tầm là đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Đáng chú ý nhất, đến Nghị quyết 31, vị thế của TP.HCM càng trở nên quan trọng hơn, vừa giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế của cả nước, vừa sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ... của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Chưa kể chính sách đặc thù tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển năng lượng tái tạo và công nghiệp xanh nhưng lĩnh vực này vẫn chưa được đầu tư đủ để trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài ra, triển khai các chính sách đặc thù đòi hỏi nguồn lực lớn và đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao. TP.HCM đôi khi gặp khó khăn trong việc huy động và phân bổ nhân sự phù hợp.
Thời gian tới, có thể TP.HCM sẽ mở rộng địa giới hành chính và trở thành một siêu đô thị miền Đông. Chính vì vậy, TP.HCM cần xây dựng quy hoạch tổng thể đồng bộ, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đáp ứng được yêu cầu mở rộng diện tích và tăng quy mô dân số. Đây là tiền đề giúp định hướng chiến lược phát triển cho toàn TP, đảm bảo các nguồn lực được phân bổ hiệu quả và phù hợp với tầm nhìn mở rộng, đồng thời tập trung phát triển các khu vực vệ tinh, liên kết chặt chẽ giữa các khu vực trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong bối cảnh đó, TP.HCM phải tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế đặc thù về tài chính. Đặc biệt, cần tối ưu hóa quyền tự chủ về ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư vào các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, đô thị thông minh và phát triển kinh tế xanh. Hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Tăng cường kết nối giữa Khu công nghệ cao TP.HCM với các trung tâm nghiên cứu và DN trong nước, quốc tế.
Đề xuất cơ chế tăng thu ngân sách từ các nguồn như thuế bất động sản, phí giao thông hay phát triển các khu vực kinh tế đặc thù; đầu tư vào các dự án trọng điểm bằng hình thức PPP (đối tác công - tư). Ngoài ra, phải hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế tài chính đặc thù. Đây là chính sách quan trọng nhất vì nó là nền tảng cho việc triển khai các chính sách khác. Một khung pháp lý minh bạch sẽ thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tạo động lực phát triển bền vững.•
********************************
Trung tâm tài chính quốc tế: TP.HCM cần “đèn ưu tiên” từ Trung ương
TP.HCM trước thềm kỷ nguyên mới đang mang trên vai trọng trách quan trọng: Xây dựng và vận hành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Cần chính sách đặc thù, vượt trội - điều mà nhiều lãnh đạo, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước rất đồng tình.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Hồ Quốc Tuấn, Giám đốc chương trình đào tạo thạc sĩ tài chính và kế toán (ĐH Bristol, Vương quốc Anh), đề ra các khuyến nghị cho các cơ chế, chính sách này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Trung ương, TP.HCM, Đà Nẵng dự lễ công bố thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bốn yếu tố tạo nên cơ chế vượt trội
. Phóng viên: Dư luận và giới làm chính sách đang thảo luận sôi nổi về các cơ chế, chính sách vượt trội phục vụ cho TTTC quốc tế TP.HCM. Ông có thể lý giải kỹ hơn về những cơ chế, chính sách vượt trội ấy?
+ TS Hồ Quốc Tuấn (ảnh): Để đi từ một TTTC khu vực lên tầm cỡ quốc tế thì vấn đề quan trọng là nằm ở “tính kết nối”, hiểu nôm na là khả năng TP.HCM hay Việt Nam nói chung được nghĩ tới, nhận diện mỗi khi các giao dịch quốc tế diễn ra.
Ví dụ, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam muốn huy động vốn quốc tế hiện vẫn phải vòng qua đầu cầu Singapore và Hong Kong, hay với một số dịch vụ bảo hiểm cũng vậy. Ngay cả các hội nghị công nghệ tài chính (fintech) lớn, hội nghị tiền mã hóa thì đa số tổ chức của Việt Nam cũng sang Dubai, Singapore.
Như vậy, ngay chính nhu cầu của tổ chức trong nước thì môi trường pháp lý hiện vẫn là một “chiếc áo chật”. Ngân hàng Nhà nước trong các phát biểu cũng cho biết sẽ cần một khuôn khổ rộng hơn.
Khuôn khổ ấy cần có: (1) Các điều kiện thuận lợi hơn để tổ chức quốc tế mở chi nhánh, văn phòng đại diện, điều kiện hoạt động dễ dàng hơn, ít giới hạn trong khuôn khổ chính sách cho TTTC quốc tế; (2) Việc huy động vốn, trả nợ, luân chuyển ngoại tệ dễ dàng hơn nhưng không bị rơi vào các rủi ro rửa tiền; (3) Mở cửa khuôn khổ về tiếp cận dịch vụ tài chính toàn diện, tỉ lệ sở hữu của nước ngoài trong các tổ chức tài chính trong nước; (4) Chính sách thuế và giải quyết tranh chấp hiệu quả trong hoạt động kinh doanh ở TTTC quốc tế.
“Tôi tin rằng Việt Nam có thể đạt được vị thế như Bangkok, Jakarta hoặc thậm chí vươn lên cùng nhóm với Kuala Lumpur.”
TS Hồ Quốc Tuấn
Ngoài khuôn khổ về các quy định thì TP.HCM còn cần có nguồn lực để đầu tư hạ tầng và đào tạo, nâng chất lượng đội ngũ nhân lực. Những mặt này cũng cần có chính sách vượt trội hơn, mà vấn đề đầu tiên là cần phải huy động được “tiền đâu” cho đầu tư nhân lực và hạ tầng. Nguồn lực hiện nay là chưa đủ.
TP.HCM định vị vị thế tương lai ra sao?
. Hãy nói một chút về thứ hạng TTTC quốc tế, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về tiềm năng của TP.HCM trong tương quan với thế giới, vì sao?
+ Tôi cho rằng vấn đề nằm ở chỗ nhiều người có cách hiểu và kỳ vọng khác nhau về TTTC quốc tế. Một trong những lý do dẫn đến sự băn khoăn là khi nhắc đến các TTTC quốc tế, người ta thường nghĩ ngay đến những cái tên đã có vị thế vững chắc trên toàn cầu như London, New York, Tokyo hoặc ít nhất là những trung tâm quen thuộc trong top 15 như Dubai, Hong Kong, Singapore.
Để TP.HCM có thể vươn từ vị trí hiện tại, thuộc nhóm “khu vực” trong xếp hạng TTTC quốc tế theo Chỉ số TTTC toàn cầu (GFCI) ấn bản lần thứ 37 (năm 2025), lên top 15 - tức nhóm “trung tâm dẫn đầu toàn cầu” hoặc “trung tâm toàn diện toàn cầu” - Việt Nam phải vượt qua hơn 50 TTTC khác thuộc nhóm “quốc tế”. Trong đó có những cái tên quen thuộc ở Đông Nam Á như Bangkok, Jakarta và Kuala Lumpur.
Tôi tin rằng Việt Nam có thể đạt được vị thế như Bangkok, Jakarta hoặc thậm chí vươn lên cùng nhóm với Kuala Lumpur. Hiện tại, Kuala Lumpur đứng thứ 51 toàn cầu nhưng hồi năm 2023, họ từng xếp hạng 80. Tương tự, Bangkok từng ở hạng 60 nhưng hiện nay chỉ xếp trên TP.HCM hai bậc.
Chúng ta không quá đặt nặng vào các bảng xếp hạng nhưng nhắc đến để thấy rằng kỳ vọng xây dựng TTTC quốc tế ở Việt Nam, cụ thể là TP.HCM, không phải là điều quá tầm với. Nói cách khác, việc vươn lên nhóm “quốc tế” không phải là mục tiêu quá xa vời so với vị thế trong nhóm “khu vực” hiện tại của TP.HCM.
Còn nếu chúng ta nghĩ mình lên quốc tế để cạnh tranh với top 15 thì đó lại là một góc nhìn khác. Ít nhất là trong ngắn hay trung hạn, điều ấy không dễ, bởi những TTTC tốp đầu thế giới có bề dày nội lực rất lớn và được hậu thuẫn bởi nguồn lực quốc gia, văn hóa, vốn xã hội và những mối quan hệ kết nối... Nói cách khác, để TP.HCM lên đến TTTC quốc tế tốp đầu, mà GFCI gọi là các trung tâm toàn cầu thì phải đọ sức với cả nguồn lực quốc gia và quyền lực mềm của người ta. Việc này chỉ xem xét khi chúng ta có nền tảng lớn mạnh hơn hiện nay.
Xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh
Xây dựng mô hình TTTC quốc tế phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách độc lập, đặc thù, đặc biệt, vượt trội, có sức cạnh tranh, đồng thời tăng cường hợp tác công tư, thu hút và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp, người dân; xây dựng TTTC tiên tiến, hiện đại, tăng cường số hóa; tổ chức hoạt động và quản lý thông minh, bằng các giải pháp khoa học công nghệ; có nguồn nhân lực chất lượng cao...
Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH, Trưởng ban Chỉ đạo về TTTC quốc tế tại Việt Nam, chỉ đạo tại phiên họp hôm 3-4-2025
Kỳ vọng vào nhóm dẫn đầu khu vực
. Vậy ông kỳ vọng gì về vị thế của TP.HCM trên bảng xếp hạng thế giới dựa trên các chỉ dấu về nguồn lực hiện tại?
+ Tôi lạc quan nếu nói chúng ta muốn có một TTTC quốc tế ở tầm trong top 30-50 thế giới. Vị thế này tương ứng với nguồn lực quốc gia và tham vọng về tăng trưởng kinh tế, cũng như vấn đề về dân số, tăng trưởng thu nhập, hoạt động kinh tế, độ mở của nền kinh tế và sự cởi mở tiếp nhận cái mới của người Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Nếu chúng ta muốn vươn khỏi tầm đó thì chúng ta cần có những đột phá rất lớn mới mong đạt vị thế như những trung tâm hàng trăm năm tuổi hoặc những trung tâm có lợi thế và thể chế rất đặc thù như Dubai. Nói nôm na, như trong bóng đá, tôi lạc quan khi chúng ta đi từng bước, từ sân chơi ASEAN hướng ra World Cup, đặt mục tiêu vừa phải và hướng tới. Chứ ngay lập tức muốn mình vào top 10-20 đội hàng đầu thế giới thì khó. Một số người tỏ ra bi quan nhiều khi là do chúng ta đặt mục tiêu và định nghĩa “TTTC quốc tế” quá cao xa.
. Xin cảm ơn ông. •
ĐỖ THIỆN thực hiện
LÊ THOA
Nguồn PLO : https://plo.vn/tphcm-can-mo-rong-duong-bang-cho-cac-co-che-dac-thu-post844600.html