Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, mô hình mới bao gồm 2 chi cục và 124 đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể: 32 bệnh viện đa khoa, 28 bệnh viện chuyên khoa, 11 trung tâm y tế không giường bệnh, 15 trung tâm bảo trợ xã hội và 38 trung tâm y tế khu vực.
Hệ thống y tế cơ sở tiếp tục duy trì 443 trạm y tế tại các phường, xã trong giai đoạn chuyển tiếp. Trong vòng 60 ngày, Sở Y tế sẽ thực hiện điều chỉnh theo địa giới hành chính mới, hình thành 168 trạm y tế chính thức và 296 điểm y tế để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của người dân.
38 trung tâm y tế quận, huyện trước đây sẽ chuyển đổi thành 38 trung tâm y tế khu vực, chịu trách nhiệm điều hành trực tiếp 168 trạm y tế. Riêng 4 trung tâm y tế từng có giường bệnh tại quận 3, 5, 10 và huyện Cần Giờ sẽ chuyển đổi thành các trung tâm không giường bệnh. Đáng chú ý, đội ngũ bác sĩ sẽ được điều động, tăng cường cho tuyến y tế cơ sở nhằm giảm tải áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.
Hiện TP.HCM có một Trung tâm cấp cứu 115 và 45 trạm cấp cứu vệ tinh tập trung chủ yếu tại khu vực nội thành. Trong thời gian tới, mạng lưới cấp cứu vệ tinh sẽ được mở rộng và phân bố đồng đều trên toàn địa bàn TP.HCM mới.
Hệ thống bệnh viện hiện nay bao gồm 162 cơ sở, trong đó có 12 bệnh viện thuộc bộ, ngành; 32 bệnh viện đa khoa, 28 bệnh viện chuyên khoa và 90 bệnh viện ngoài công lập. Bên cạnh đó, thành phố còn có khoảng 9.886 phòng khám chuyên khoa, 351 phòng khám đa khoa và 15.611 nhà thuốc cùng cơ sở kinh doanh dược.
Về an sinh xã hội, TP.HCM hiện có 110 trung tâm bảo trợ xã hội, bao gồm 15 cơ sở công lập và 95 cơ sở ngoài công lập. Sở Y tế đang trình đề xuất hợp nhất các đơn vị có chức năng tương đồng như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Giám định pháp y... nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trước yêu cầu quản lý một hệ thống y tế có quy mô lớn và đa dạng, ngành y tế TP.HCM xác định chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là trụ cột trọng yếu. Sở Y tế sẽ triển khai mô hình quản trị tập trung, tối ưu hóa phân bổ nguồn lực và nâng cao khả năng kết nối giữa các cơ sở. Song song đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế sẽ được chú trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động trong bối cảnh mới.
Một trong những thách thức được ngành y tế TP.HCM dự báo là nguy cơ quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối. Theo tính toán, số lượt khám bệnh hàng năm dự kiến tăng từ 42 triệu lên hơn 51 triệu lượt khi tính cả nhu cầu từ các địa phương trước đây như Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Số lượt điều trị nội trú cũng được dự báo tăng từ 2,2 triệu lên hơn 3,8 triệu lượt/năm.
Tính trên bình diện quốc gia, hệ thống y tế TP.HCM hiện chiếm khoảng 30% tổng số lượt khám bệnh ngoại trú và hơn 23% số lượt điều trị nội trú trên toàn quốc. Đây là áp lực không nhỏ đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở vật chất lẫn nhân sự.
Để ứng phó với thực trạng này, các bệnh viện lớn tại trung tâm TP.HCM đang tích cực triển khai các giải pháp như chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, luân phiên cử cán bộ hỗ trợ và tổ chức các chương trình đào tạo tại chỗ, hướng tới xây dựng nền tảng y tế cơ sở vững mạnh và bền vững.
TH