TP.HCM chủ động ứng phó nhanh với thách thức thuế quan từ Mỹ

TP.HCM chủ động ứng phó nhanh với thách thức thuế quan từ Mỹ
9 ngày trướcBài gốc
Tại hội thảo, các chuyên gia phân tích thêm tác động và nêu giải pháp đối phó trước tác động chính sách thuế mới của Mỹ; các hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành hàng cũng nêu những khó khăn và đề xuất kiến nghị đến lãnh đạo TP.HCM.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, trong tuần qua, thế giới và Việt Nam hết sức ngạc nhiên trước việc Mỹ áp thuế đối với 60 nước, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu thuế cao nhất với mức 46%. TP.HCM trong vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước, việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng lớn đến TP và những dự định của TP trong năm 2025, khi đó hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ giảm sức cạnh tranh, giá tăng cao.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được phát biểu tại hội thảo
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được, trong năm 2025, Chính phủ đặt ra cho TP.HCM chỉ tiêu tăng trưởng là 8,5%, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, việc áp thuế cao vậy sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, mức độ phát triển... Điều này rất cần các chuyên gia, các nhà khoa học thảo luận để đưa ra các giải pháp cho TP trong bối cảnh này.
“Hôm nay, TP rất cần trí tuệ, đóng góp của các nhà khoa học, doanh nghiệp… để đưa ra kịch bản kinh tế cho TP để vượt qua được thách thức. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, TP sẽ tiếp thu cao nhất để định hướng cho sự phát triển của TP.HCM đạt mục tiêu đề ra”, ông Nguyễn Văn Được nêu rõ.
Ông Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - nêu một số đánh giá tác động của mức thuế suất đối ứng. Theo đó, với mức thuế suất đối ứng 46% sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng chủ chốt của TP.HCM vào thị trường Mỹ; trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp lại có mức thuế thấp hơn đáng kể như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%); Thái Lan (37%)…
Trong khu vực Đông Nam Á, mức thuế suất đối ứng 46% sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút vốn FDI sản xuất đang dịch chuyển vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng theo chiến lược Trung Quốc. Với mức thuế suất đối ứng 46% sẽ làm cho TP.HCM không có lợi thế cạnh tranh trong vị trí là điểm đến cho hoạt động sản xuất hướng đến xuất khẩu – đặc biệt là đối với các mặt hàng hướng đến thị trường Mỹ. Chi phí xuất khẩu gia tăng sẽ làm các doanh nghiệp FDI có xu hướng tìm kiếm các quốc gia khác có mối quan hệ thương mại ổn định hơn với Mỹ.
Về dài hạn, dòng vốn FDI dịch chuyển vào lĩnh vực sản xuất sẽ có nguy cơ chững lại. Đồng thời, việc duy trì các khoản đầu tư hiện hữu cũng trở thành thách thức khi doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng cao và khả năng tiếp cận thị trường Mỹ bị thu hẹp. Bên cạnh đó, tỷ giá sẽ chịu thêm sức ép do Việt Nam cần phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ nhằm thu hẹp thặng dư thương mại với nước này. Một số ngành nghề cũng bị tác động như: dệt may, đồ gỗ, nông, thủy sản, điện tử và linh kiện…
Từ phân tích tác động, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã đưa ra một số kịch bản tăng trưởng: Kịch bản cho tăng trưởng thấp (bi quan nhất, mức thuế suất đối ứng giữ nguyên 46%); kịch bản đàm phán một phần và đạt mức thuế suất 25%; kịch bản căng thẳng thương mại được tháo gỡ sớm, mức thuế suất áp dụng là 5 – 15%.
Các kịch bản được xây dựng với giả định yếu tố trong điều kiện TP.HCM chủ động và tăng tốc nội lực thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế như đầu tư và tiêu dùng. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 620.000 tỉ đồng và tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,4%.
Bên cạnh đó, còn có một số giải pháp liên quan như: Giải pháp về xuất - nhập khẩu, giải pháp giải quyết các rào cản liên quan đối với hàng hóa nhập khẩu, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, thu hút đầu tư...
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết, trước mắt TP vẫn giữ nguyên kịch bản tăng trưởng năm 2025 song song với tiếp tục theo dõi, chuẩn bị, chủ động và linh hoạt các biện pháp ứng phó. TP cũng sâu sát, theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất ngành hàng xuất khẩu sang Mỹ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, TP tăng cường kích thích đầu tư công, dẫn dắt đầu tư tư nhân. Trọng tâm là tháo gỡ 571 dự án còn vướng mắc, tồn đọng để tăng doanh thu, thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Sẽ tái cơ cấu lại các chương trình xúc tiến đầu tư, giao thương, đeo bám vào các thị trường xuất khẩu lớn, tiềm năng và mang tính ổn định; tái cơ cấu lại, tăng hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, tăng giá trị của hàng Việt Nam.
Thủy Long
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/tp-hcm-chu-dong-ung-pho-nhanh-voi-thach-thuc-thue-quan-tu-my-231349.html