Sáng 31-10, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10. Chủ trì có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Dũng và Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường.
Toàn cảnh phiên họp kinh tế - xã hội tháng 10. Ảnh: TTBC
Tại phiên họp, vấn đề giải ngân đầu tư công tiếp tục được bàn luận.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Trung Kiên cho biết tính đến 25-10, TP đã giải ngân hơn 17.200 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 21,8% kế hoạch vốn được giao. Kết quả này thấp hơn mục tiêu các đơn vị đề ra hồi đầu năm là phải giải ngân 29% sau 10 tháng.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Võ Trung Trực cho biết, năm 2024, TP có 176 dự án thuộc nhóm này, với tổng số vốn dự kiến bố trí trước tháng 9 là hơn 21.600 tỉ đồng.
Đến khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, một số dự án đã tăng tổng mức đầu tư do đi kèm các quy định, chính sách hỗ trợ thêm hộ dân bị ảnh hưởng. Đơn cử như dự án rạch Xuyên Tâm, bờ Bắc kênh Đôi…
Phó Giám đốc Sở TN&MT Võ Trung Trực thông tin về giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực bồi thường. Ảnh: TTBC
Theo ông Trực, trước đó, trong thời gian chờ Luật Đất đai 2024 và các quy định cụ thể có hiệu lực, các dự án tạm ngưng thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10.
“Hiện nay, hầu hết các quy định để thực hiện Luật Đất đai đã có hiệu lực. Do đó chúng ta sẽ tập trung 84 dự án còn lại với tổng số tiền giải ngân là hơn 32.000 tỉ đồng, tập trung vào tháng 11 và tháng 12” – ông Trực nói và cho biết Sở TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với sở, ngành có liên quan, đảm bảo trong tháng 11 giải ngân 36 dự án với tổng số tiền giải ngân là hơn 7.700 tỉ đồng.
Tiếp đến tháng 12 sẽ đồng loạt giải ngân 48 dự án còn lại với tổng số tiền hơn 25.000 tỉ đồng. Tối đa đến 30-1-2025, có thể giải ngân đạt hơn 95%.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết tính đến 31-10, TP giải ngân đầu tư công mới đạt 22,2%, trong khi số liệu tháng 10 dự kiến ước đạt 26%.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị động viên đơn vị giải ngân tốt. Ảnh: TTBC
“Chúng ta có lộ trình cụ thể nhưng chúng ta không đạt được” – ông Dũng nói và cho biết nếu mục tiêu từng tháng không đạt được sẽ cộng dồn vào tháng 12 và tháng 1 sẽ gây nhiều khó khăn.
Do đó, Sở KH&ĐT phải rà soát kỹ, đơn vị nào đăng ký mục tiêu nhưng chưa đạt thì phải đánh giá nguyên nhân; đơn vị nào giải ngân được thì động viên, đơn vị nào làm không được thì phải có giải pháp, có cam kết.
“Phải có mục lục này mới chỉ ra được chủ đầu tư, đơn vị cụ thể, với trách nhiệm cụ thể để giải ngân đầu tư công” – ông Dũng nói thêm.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng thông tin trong Thường trực UBND TP.HCM đã phân công phụ trách những dự án cụ thể và cũng đã đi thực tế để kiểm tra. Theo ông, có một số dự án gặp khó khăn, đến nay chưa giải quyết được, đơn cử như dự án chống ngập do triều 10.000 tỉ đồng.
Trước đó, mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cũng khẳng định TP.HCM vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 7-7,5%.
Về giải ngân đầu tư công, ông nhìn nhận đã được bàn thảo rất nhiều. Lãnh đạo TP đã trực tiếp xuống từng dự án và nghe khó khăn, vướng mắc của các đơn vị. Từng chủ đầu tư, quận, huyện, TP Thủ Đức cũng đưa ra giải pháp cụ thể, có quyết tâm, có lộ trình nhưng tỉ lệ giải ngân chưa đạt như mong muốn.
Giảm nhiều chỉ số về doanh nghiệp
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết một số con số thể hiện kinh tế tăng trưởng tích cực, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách. Theo ông, TP đang tiến dần đến mục tiêu tăng trưởng 7,5 và hiện đang nỗ lực tập trung.
Tuy nhiên, ông cũng đánh giá một số chỉ tiêu giảm, cần rà soát kỹ, nắm bắt nguyên nhân, có giải pháp đề xuất UBND TP điều hành để khắc phục, để trong hai tháng còn lại phải tăng trưởng trở lại.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng nhìn nhận một đô thị đặc biệt như TP.HCM luôn thu hút cộng đồng doanh nghiệp đến làm ăn nhưng chỉ số cấp phép cho doanh nghiệp giảm 1,2%; tổng vốn doanh nghiệp đăng ký giảm đến 15,8% so với cùng kỳ; doanh nghiệp rút khỏi thị trường lại tăng 6,5%.
Ông đề nghị Sở KH&ĐT rà soát, đánh giá lại vấn đề này và tham mưu kỹ cho UBND TP. “Xem có nguyên nhân nào về thủ tục hành chính không, hay đất đai, giá cả… Tại sao TP.HCM lại ít doanh nghiệp đăng ký hoạt động” – ông Dũng nhấn mạnh.
LÊ THOA