Ngày 31/10, thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã ký, ban hành kế hoạch thực hiện các khu vực TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) dọc tuyến metro số 1, metro số 2, tuyến Vành đai 3 theo Nghị quyết 98/2023/QH15.
Theo đó, 9 vị trí thí điểm phát triển TOD giai đoạn 2024 - 2025 như sau:
Các vị trí thí điểm phát triển TOD dọc metro và đường Vành đai 3.
Trong số này, khu C30 cách ga Lê Thị Riêng của tuyến metro số 2 khoảng 800m đến 1.000m theo mô hình TOD.
Về các bước triển khai, UBND TP quy định, các đơn vị xác định cụ thể ranh giới, tình trạng pháp lý quy hoạch, đất đai, các chức năng phát triển đô thị của từng khu vực trong quý IV/2024, quý I/2025. Từ quý I đến quý III/2025 tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch; quý III, IV/2024 thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Trong năm 2025 sẽ ban hành quyết định phê duyệt dự án.
Dự kiến giai đoạn 2026 - 2028, các vị trí thực hiện TOD gồm: Khu số 1, xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) với diện tích khoảng 290 ha, nằm dọc tuyến Vành đai 3; khu vực xung quanh vị trí ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh), diện tích 314 ha, nằm dọc tuyến metro số 3 nối dài; đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
TP.HCM đẩy mạnh phát triển TOD trong tương lai.
Theo UBND TP.HCM, các khu vực được chia thành hai nhóm trên cơ sở đánh giá hiện trạng sử dụng đất, nguồn gốc pháp lý đất, điều kiện và động lực phát triển... Trong đó, nhóm đầu tư mới hiện trạng khu vực là đất trống hoặc dân cư thưa thớt, hoặc có nhà máy, xí nghiệp dự kiến di dời… thuận lợi để thu hồi, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng mới; khu vực này có phần lớn diện tích đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.
Nhóm thứ hai là nhóm cải tạo, chỉnh trang khu vực hiện hữu. Khu vực đã hình thành dân cư hiện hữu, có điều kiện đô thị xuống cấp, cần cải tạo chỉnh trang phát triển đô thị. Đồng thời, khu vực có một phần diện tích đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.
Về mô hình và các chức năng cơ bản cho các khu vực TOD, UBND TP định hướng nghiên cứu theo ba phương án. Bao gồm mô hình TOD tại vùng lõi nhà ga (trong phạm vi bán kính từ 400 - 500m): Phát triển đô thị mật độ cao tối ưu; đất sử dụng hỗn hợp, đa chức năng, thương mại - dịch vụ kết hợp ở; đi bộ là hình thức đi lại chủ yếu trong khu vực TOD; giao thông đối ngoại chủ yếu bằng đường sắt đô thị.
Thứ hai, mô hình TOD tại vùng chuyển tiếp nhà ga (ngoài phạm vi bán kính 400 - 500m và thuộc bán kính 800 - 1.000m): Phát triển đô thị mật độ cao; sử dụng đất hỗn hợp với nhà ở và công trình dịch vụ xã hội; giao thông nội khu chủ yếu đi bộ và xe đạp; kết nối giao thông với nhà ga bằng xe buýt hoặc xe cá nhân nhẹ (xe đạp, xe điện…); giao thông đối ngoại chủ yếu vẫn là đường sắt đô thị.
Dọc các tuyến Vành đai 3 sẽ được sử dụng để phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.
Phương án cuối cùng là mô hình đô thị tập trung tại vùng phụ cận các nút giao thông của đường Vành đai 3: Đây là mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) được xác định tại Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Đối với mô hình này, các khu vực nằm gần các nút giao thông có kết nối tốt với đường Vành đai 3 hoặc các tuyến nhánh rẽ ra, vào đường Vành đai 3 sẽ được phát triển thành các khu đô thị. Mục tiêu là hình thành các khu dân cư tập trung, khu chức năng đô thị, khu công nghiệp và logistics, từ đó tối đa hóa hiệu quả sử dụng của hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật tại đây.
Các khu vực gần lõi trung tâm sẽ được phát triển với các tòa nhà trung và cao tầng, sử dụng đất kết hợp giữa khu ở và các dịch vụ xã hội. Giao thông nội khu sẽ chủ yếu dành cho xe đạp và xe điện, trong khi giao thông kết nối ra bên ngoài sẽ dựa vào đường nhánh và các phương tiện công cộng.
Về nguồn vốn, UBND các quận, huyện đề xuất nguồn vốn thực hiện các công tác cần thiết theo quy định pháp luật.
Mỹ Quỳnh