Giảm mạnh số lượng đơn vị hành chính cấp xã
Chiều tối 15/4, Thành ủy TP.HCM có thông cáo báo chí liên quan phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở thành phố. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Tp.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ 39 để thảo luận và cho ý kiến về các đề án quan trọng, trong đó có phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đây là những nội dung mang tính chiến lược, có tính chất đột xuất, cấp bách, ảnh hưởng lớn đến cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, đời sống nhân dân và định hướng phát triển lâu dài của thành phố.
Tp.HCM dự kiến giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã từ 273 xuống còn 102, gồm 78 phường và 24 xã.
Theo dự thảo đề án được Ban Thường vụ Thành ủy trình tại hội nghị, Tp.HCM dự kiến giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã từ 273 xuống còn 102, gồm 78 phường và 24 xã. Tỷ lệ giảm lên tới 62,64%. Phương án này nhằm đảm bảo cấp xã không trở thành “cấp huyện thu nhỏ”, tránh tình trạng có quy mô dân số và diện tích tự nhiên quá lớn, khiến chính quyền cơ sở xa dân.
Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền cấp xã quán xuyến tốt hơn địa bàn, nắm bắt tình hình và phục vụ nhân dân hiệu quả, gần dân, sát dân hơn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong giai đoạn 2025 - 2030.
Điều chỉnh ranh giới, đặt tên mới phù hợp đặc thù địa phương
Bên cạnh việc sáp nhập, Tp.HCM cũng sẽ điều chỉnh ranh địa giới hành chính tại các địa bàn đang có tình trạng chồng lấn ranh giới, như: khu vực Trường Đại học Quốc gia Tp.HCM giữa Tp.Thủ Đức và tỉnh Bình Dương; phường 16 (quận 6) mở ranh sang quận 8; điều chỉnh địa giới giữa quận Gò Vấp và quận 12; giữa huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi; điều chỉnh ranh công viên giữa quận Tân Phú và quận Bình Tân.
Tp.HCM đang từng bước triển khai phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã, hướng tới xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đề án cũng đề xuất tên gọi mới cho một số đơn vị hành chính. Đáng chú ý, quận 1 sẽ có phường mang tên “Sài Gòn”, quận 5 có đơn vị mang tên “Chợ Lớn”; phường Cây Mai (quận 11) được đổi tên thành Minh Phụng. Các quận 3, 7, 10, Tân Bình và huyện Củ Chi cũng sẽ xem xét việc đổi tên các phường, xã sau sắp xếp.
Sau khi sáp nhập, Tp.HCM sẽ triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh là Tp.HCM (gồm HĐND và UBND thành phố), và cấp xã là các phường, xã, đặc khu (gồm HĐND và UBND).
UBND cấp xã hoạt động theo chế độ tập thể, kết hợp với đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND. Các cơ quan chính quyền cấp xã sẽ tiếp tục triển khai các chức năng quản lý nhà nước, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương.
Về nhân sự, sau sắp xếp, số lượng biên chế cần bố trí là khoảng 6.120 người. Dự kiến, có khoảng 11.015 người dôi dư, gồm 5.453 biên chế và 5.562 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Thành phố sẽ có lộ trình phân bổ, sắp xếp, giải quyết hợp lý số nhân sự này trong giai đoạn 5 năm thực hiện đề án.
Hình thành siêu đô thị, phát triển cực tăng trưởng mới
Song song với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Tp.HCM cũng đang nghiên cứu đề án hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, trên cơ sở sáp nhập Tp.HCM với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành một siêu đô thị có diện tích hơn 6.700 km², dân số hơn 13,7 triệu người. Mục tiêu là phát huy lợi thế liên kết vùng, tạo động lực tăng trưởng mới cho cả nước và vùng Đông Nam Bộ.
Cùng với tổ chức bộ máy hành chính, hệ thống tổ chức Đảng cũng được cơ cấu lại. Sau sắp xếp, Tp.HCM dự kiến còn 102 tổ chức Đảng cấp xã (thí điểm tổ chức Đảng cấp trên trực tiếp cơ sở), 6 tổ chức Đảng cấp trên trực thuộc Thành ủy và 985 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng ủy xã, phường.
Cụ thể, sẽ có các loại hình tổ chức Đảng tại cơ quan UBND, công an, quân sự, các đơn vị sự nghiệp như: trường học, bệnh viện, cơ sở y tế… Tổng số tổ chức cơ sở Đảng giảm 529 đơn vị so với hiện tại.
Theo Thành ủy Tp.HCM, việc sắp xếp phải đảm bảo ổn định ranh giới hành chính, giảm thiểu tác động đến các hoạt động quản lý đất đai, xây dựng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến việc chuyển đổi giấy tờ nhà đất của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tổ chức bộ máy mới phải đảm bảo năng lực thực hiện các dịch vụ hành chính công, tránh tình trạng quá tải, đảm bảo quyền lợi của người dân trong quá trình chuyển tiếp.
Việc tinh gọn đơn vị hành chính cấp xã là bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương và chỉ đạo của Chính phủ, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, hiện đại của Tp.HCM trong giai đoạn tới.
Phạm Thị Mỹ Hậu