TP.HCM đánh thức 'rồng xanh'

TP.HCM đánh thức 'rồng xanh'
7 giờ trướcBài gốc
Khu đô thị Vinhomes (quận Bình Thạnh) soi bóng bên dòng sông Sài Gòn (Ảnh: Lê Toàn)
Dòng sông Sài Gòn uốn lượn như hình “rồng xanh” ôm trọn TP.HCM. Với chiến lược quy hoạch hành lang sông, những khu đô thị, những công trình hạ tầng được tăng tốc đầu tư…, giấc mơ về một đô thị diễm lệ bên sông, nơi con người sống hòa quyện cùng thiên nhiên, nay không còn là viển vông.
Dòng sông lịch sử
Những ngày tháng Tư lịch sử, khi TP.HCM rộn ràng trong không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công viên bến Bạch Đằng khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ cờ hoa, náo nhiệt với các hoạt động văn hóa như diễu hành thuyền hoa đăng, đờn ca tài tử, trình diễn thuyền buồm, lướt ván thể thao, phản lực nước... Giữa không gian ấy, dòng sông Sài Gòn vẫn lặng lẽ trôi và lưu giữ những khoảnh khắc thiêng liêng của lịch sử.
Nhìn từ trên cao, sông Sài Gòn uốn lượn mềm mại như hình dáng một con “rồng xanh” đi qua lòng Thành phố. “Rồng xanh” không chỉ là hình ảnh ẩn dụ của vẻ đẹp sông nước, mà còn là biểu tượng sống động cho hơn 300 năm hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - TP.HCM.
Hai bên bờ sông, từ xưa đã là nơi tụ hội của những làng nghề, bến cảng, chợ phố tấp nập, tạo nên nhịp sống “trên bến dưới thuyền” đặc trưng của đô thị phương Nam.
Quy hoạch hành lang sông Sài Gòn không chỉ đơn thuần là phát triển hạ tầng, mà đó là cuộc tái thiết đô thị mang đậm bản sắc, nơi các giá trị văn hóa, lịch sử ven sông sẽ được bảo tồn, hòa quyện với công trình hiện đại, các tuyến giao thông thủy và dịch vụ du lịch sông nước. Giấc mơ ấy, nếu thành hiện thực, không chỉ làm nên một TP.HCM đẹp hơn, sống động hơn, mà còn khẳng định vị thế của một thành phố năng động nhất cả nước.
Ngược dòng thời gian, sông Sài Gòn còn là nơi ghi dấu những cột mốc lịch sử của dân tộc. Chính nơi đây, ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu tại bến Nhà Rồng, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước, một sự kiện thiêng liêng mà dòng sông Sài Gòn là chứng nhân.
Theo thời gian, sông Sài Gòn còn lưu giữ những địa danh gắn với chiến tích lịch sử như bến Bạch Đằng, bến Rạch Tra…, mỗi nơi đều là một mảnh ghép trong cuộc trường chinh giành độc lập, tự do của dân tộc.
Ngày nay, dòng sông ấy không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, mà còn là tuyến đường thủy huyết mạch giao thương quan trọng, nối liền TP.HCM với các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và kết nối quốc tế.
Với chiều dài hơn 250 km, chảy qua Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM, sông Sài Gòn còn giữ vai trò cung cấp nước sinh hoạt, điều tiết lũ lụt, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an ninh nguồn nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.
Với TP.HCM, sông Sài Gòn không chỉ là dòng chảy giữa lòng thành phố, mà còn thể hiện bản sắc của một đô thị năng động. Và giờ đây, trong sự chuyển mình mạnh mẽ, dòng sông ấy đang được đánh thức để một lần nữa viết tiếp hành trình mới cho TP.HCM.
Đánh thức “”rồng xanh”“
Không còn lặng lẽ trôi giữa những bờ kè cũ kỹ và phố xá xô bồ, “rồng xanh” đang dần được đánh thức bằng những quyết sách chiến lược và khát vọng kiến tạo một đô thị bên sông xứng tầm khu vực.
Nhìn sang các đô thị lớn trên thế giới, như Paris bên sông Seine,
London bên sông Thames, Seoul bên sông Hàn…, quá trình phát triển đều không thể tách rời thiên nhiên. Các đô thị này đều khai thác triệt để lợi thế sông nước để tạo bản sắc riêng, phát triển không gian sống, du lịch, văn hóa, giao thông.
Với TP.HCM cũng vậy, quá trình phát triển của Thành phố cũng không thể tách rời thiên nhiên, đặc biệt là khi thiên nhiên đã ban tặng cho Thành phố một món quà vô giá như sông Sài Gòn.
Nhận rõ điều đó, năm 2020, TP.HCM chính thức phê duyệt Đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2040. Đây là một trong 52 đề án thuộc 4 chương trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Sông Sài Gòn có thể trở thành một phiên bản đặc biệt như sông Seine của Paris, không chỉ là cảnh quan, mà là động lực phát triển đa chiều về văn hóa, kinh tế, du lịch và môi trường.
(Báo cáo của IPR và AVSE)
Từ đây, kế hoạch đánh thức “rồng xanh” không còn là khái niệm mơ hồ trên giấy, mà bắt đầu bằng những bước đi rất cụ thể. Công viên bến Bạch Đằng, biểu tượng của Thành phố bên sông là nơi khởi đầu cho hành trình đó. Công viên có diện tích 1,6 ha, được cải tạo thành không gian công cộng hiện đại, thoáng mát, kết nối hài hòa giữa lịch sử và nhịp sống mới. Dự án hoàn thành vào tháng 3/2022 không chỉ thay đổi bộ mặt cảnh quan trung tâm, mà còn mang đến cho người dân một điểm đến văn hóa, du lịch đúng nghĩa bên bờ sông.
Tuy nhiên, việc “đánh thức” dòng sông này không dừng lại ở cảnh quan. TP.HCM đã tiến thêm một bước khi đưa vào vận hành tuyến buýt đường sông số 1, nối liền bến Bạch Đằng với TP. Thủ Đức. Đây không chỉ là phương tiện giao thông mới mẻ, mà còn là bước đầu tiên trong hành trình xây dựng hệ thống đô thị gắn kết với dòng sông.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, người đã nhiều năm nghiên cứu và trực tiếp triển khai tuyến buýt sông nhắc lại rằng, từ xa xưa, ông bà ta có câu: “Theo sông mà đến, nương sông mà ở, nhờ sông mà phát triển”. Bởi vậy, phát triển kinh tế ven sông không phải là lựa chọn, mà là lẽ tất yếu của một thành phố bên sông.
Theo ông Toản, sau nhiều năm, TP.HCM giờ đã nhìn ra giá trị mà con sông mang lại. Nhưng rào cản lớn nhất không nằm ở tài nguyên hay tiềm năng, mà chính là định hướng chưa rõ ràng, cách làm chưa thực sự đồng bộ. Điều Thành phố cần lúc này là một chiến lược phát triển kinh tế ven sông hiệu quả, tiết kiệm thời gian, nguồn lực xã hội và quan trọng nhất, phải xuất phát từ tinh thần tôn trọng giá trị của dòng chảy.
Giấc mơ đô thị diễm lệ bên sông không còn xa vời
Giấc mơ về một đô thị diễm lệ bên sông từng là hình ảnh đẹp trên bản quy hoạch, nay đang dần bước ra khỏi khổ giấy và hiện diện rõ ràng trên từng tấc đất ven sông Sài Gòn.
Tháng 4/2023, một bước ngoặt quan trọng được đánh dấu bằng chuyến công tác đặc biệt của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đến Paris (Pháp), nơi dòng sông Seine uốn lượn giữa đô thị văn minh, hiện đại và đầy bản sắc. Không chỉ là một chuyến đi tìm hiểu, đây là hành trình kết nối giữa TP.HCM và Viện Quy hoạch Vùng Paris (IPR), cùng sự phối hợp của Tổ chức Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), để khởi động chương trình nghiên cứu và quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn.
Chỉ vài tháng sau, vào tháng 10/2023, hội thảo đầu tiên đã diễn ra tại TP.HCM với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế. Đến tháng 3/2024, bản Báo cáo Quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn được công bố, đánh dấu bước đi cụ thể đầu tiên trong hành trình biến dòng sông này thành “xương sống” thực sự cho TP.HCM trong kỷ nguyên mới.
“Chúng tôi tin rằng, sông Sài Gòn có thể trở thành một phiên bản đặc biệt như sông Seine của Paris, không chỉ là cảnh quan, mà là động lực phát triển đa chiều về văn hóa, kinh tế, du lịch và môi trường”, Báo cáo của IPR và AVSE viết.
Không dừng lại ở tầm nhìn, một loạt đề xuất đầu tư cụ thể bắt đầu hình thành. Tháng 10/2024, Tập đoàn Sun Group chính thức đề xuất dự án đường ven sông Sài Gòn dài 78,2 km, kéo dài từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ, một trục xương sống mới bên sông, vừa giảm áp lực giao thông, vừa mở ra hướng phát triển đô thị ven sông một cách bài bản. Cùng với đó là ý tưởng quy hoạch các khu đô thị ven sông tại Củ Chi, Hóc Môn, góp phần mở rộng không gian đô thị về phía Tây Bắc, vùng đất còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
Tuy nhiên, để giấc mơ ấy thành hình một cách bền vững, giới chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần đi từng bước vững chắc. Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM thẳng thắn chỉ ra, Thành phố cần xác định rõ chức năng từng khu vực ven sông, đâu là khu dân cư, đâu là công viên, đâu là không gian cảnh quan, đâu là giao thông thủy… và mọi thứ phải được hoạch định kỹ càng trong một tổng thể thiết kế đô thị khoa học.
Những khu đô thị bên sông đầu tiên đã dần hoàn thành, từ Khu đô thị Sala tại Thủ Thiêm, đến Vinhomes Central Park ở Bình Thạnh, những khu đô thị hiện đại soi bóng bên sông Sài Gòn…
Giờ đây, khi hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị được TP.HCM tăng tốc đầu tư, giấc mơ về một đô thị bên sông không còn là viển vông. Đó là một mục tiêu phát triển có cơ sở, một tương lai đang tới gần và rất đáng để chờ đợi!
Tản Viên
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/tphcm-danh-thuc-rong-xanh-d275218.html