Ngày 22/5, Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM tổ chức phiên họp đầu tiên dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Mục tiêu và nhu cầu vốn khổng lồ
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Quang Lâm, quyền Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 7 tuyến đường sắt đô thị (từ tuyến số 1 đến số 7) với tổng chiều dài khoảng 355km. Nhu cầu vốn đầu tư ước tính khoảng 40,21 tỷ USD.
Ông Trần Quang Lâm, quyền Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo về đề án thực hiện metro tại TP.HCM.
Trong đó, giai đoạn 2026-2030 cần 16,35 tỷ USD. Các nguồn vốn dự kiến là ngân sách thành phố (5,81 tỷ USD, bao gồm 4,23 tỷ USD từ ngân sách và 1,58 tỷ USD từ phát triển TOD); Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức vay trong nước khác (4,34 tỷ USD); Ngân sách Trung ương hỗ trợ (3,86 tỷ USD); Vốn BT trả chậm (2,34 tỷ USD).
Giai đoạn 2031-2035 cần 24,04 tỷ USD. Các nguồn vốn dự kiến gồm: Ngân sách thành phố (13,33 tỷ USD, bao gồm 7,11 tỷ USD từ ngân sách và 6,22 tỷ USD từ phát triển TOD); Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức vay trong nước khác (1,97 tỷ USD); Ngân sách Trung ương hỗ trợ (4,52 tỷ USD); Vốn BT trả chậm (4,22 tỷ USD).
Đến năm 2045, hoàn thành thêm ba tuyến đường sắt đô thị (từ số 8 đến số 10) với chiều dài khoảng 155km, hoàn chỉnh mạng lưới theo quy hoạch. Nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn này khoảng 17,95 tỷ USD.
Như vậy, dự kiến đến năm 2045, TP.HCM sẽ có khoảng 600km đường sắt đô thị (bao gồm tuyến TP.HCM - Cần Giờ và Thủ Thiêm - Long Thành), đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại của người dân.
Tuyến metro số 1 nhận được sự quan tâm lớn của người dân thành phố.
Về công nghệ, TP.HCM đầu tư đường sắt khổ 1.435mm, tương tự như tuyến số 1 và số 2, tiệm cận công nghệ châu Âu. Nguồn vốn làm đường sắt đô thị cũng đa dạng, gồm ngân sách địa phương tự cân đối, khai thác quỹ đất, phát hành trái phiếu, ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 210.000 tỷ đồng trong 10 năm.
Theo ông Lâm, tiến độ đặt ra từ nay đến năm 2027 sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị dự án, giai đoạn 2027-2028 hoàn tất bồi thường, riêng tuyến số 2 khởi công năm 2025.
Tháo gỡ nút thắt để đảm bảo tiến độ
Ông Phan Công Bằng, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, thành phố đang tận dụng cơ chế đặc thù mới để đẩy nhanh tiến độ, bỏ qua các bước tốn thời gian như chủ trương đầu tư và nghiên cứu tiền khả thi. Mục tiêu là hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của 7 tuyến metro vào cuối năm 2027, đầu năm 2028.
Để đạt được điều này, ông Bằng đề xuất có ban tư vấn hỗ trợ về ranh mốc, kỹ thuật, thiết kế để có thể bàn giao ranh giải phóng mặt bằng vào khoảng tháng 5-6/2026.
Ông Phan Công Bằng, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đưa ra nhiều đề xuất để tháo gỡ khó khăn.
Về nguồn vốn, Nghị quyết mới mở ra cơ hội thu hút đầu tư tư nhân, giúp TP.HCM có thể phát triển mạng lưới rộng hơn. Ông Bằng kiến nghị Sở Tài chính khẩn trương đánh giá khả năng bố trí vốn cho 7 tuyến metro.
Tại buổi họp, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh ưu tiên giải quyết dứt điểm các tồn đọng pháp lý và khiếu nại liên quan đến metro số 1, coi đây là yếu tố quan trọng để củng cố niềm tin của các nhà thầu nước ngoài. Bên cạnh đó, việc khai thác hiệu quả Metro số 1 và xây dựng thành công metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng là nhiệm vụ trọng tâm.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được bổ sung rằng, TP.HCM cần cập nhật quy hoạch hướng tuyến mở rộng liên kết vùng (về Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai) để tối ưu hóa đầu tư và thuận lợi cho việc triển khai theo mô hình TOD.
Ông Được khẳng định, chỉ sử dụng ngân sách Nhà nước là không đủ, cần mời gọi đa dạng thành phần kinh tế trong và ngoài nước, kết hợp ODA, đồng thời khắc phục các bất cập cũ, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng và cơ chế chính sách.
Toàn cảnh cuộc họp của Ban chỉ đạo thực hiện các dự án metro TP.HCM.
TP.HCM cũng đang nghiên cứu mô hình công ty vận hành hệ thống metro để đảm bảo khai thác lâu dài và hiệu quả, học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế. Thành phố sẽ vận dụng các chính sách đặc thù như huy động vốn thông qua trái phiếu chính quyền địa phương, đấu thầu dự án sử dụng đất, phát triển TOD, công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định, thực hiện các tuyến metro là nhiệm vụ lớn với khối lượng công việc khổng lồ, phức tạp; kéo theo hàng loạt vấn đề về cơ chế chính sách. Mặc dù mục tiêu đã rõ ràng nhưng vẫn thử thách rất lớn đối với TP.HCM. Do đó, làm thế nào để triển khai đạt mục tiêu, đảm bảo chất lượng và yêu cầu, trong khi TP chỉ có bài học kinh nghiệm từ tuyến metro số 1... là việc rất khó khăn.
Dù vậy, Bí thư Thành ủy TP cho rằng, đây cũng là thời điểm đường lối, nghị quyết của Đảng mở ra cơ hội rất lớn, tạo điều kiện tăng tốc phát triển mạnh mẽ. Quốc hội đang cụ thể hóa các quy phạm pháp luật, mang đến hàng loạt hành lang pháp lý vững chắc. Sắp tới, TP.HCM sẽ được trao quyền tự quyết mạnh hơn, địa phương sẽ được làm và chịu trách nhiệm. Thời gian, mục tiêu, chỉ tiêu, công việc, trách nhiệm và thẩm quyền đều đã rõ ràng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kết luận tại cuộc họp.
Theo đó, ông Nên yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát lại quy hoạch chung phát triển hệ thống giao thông đường sắt đô thị để phù hợp với điều kiện mới và hoàn thiện nhanh các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển đường sắt đô thị.
Đặc biệt, khẩn trương nghiên cứu mô hình quản lý vận hành đường sắt đô thị mới. Theo ông Nên, đây là vấn đề quan trọng, cần nghiên cứu nhanh, bài bản, thực tiễn, khoa học để báo cáo, xin ý kiến nếu vượt thẩm quyền.
Bên cạnh đó, ông Nên cho rằng, việc giải phóng mặt bằng là yếu tố then chốt, đòi hỏi phải thành lập ngay một tổ chức chuyên trách để xử lý hiệu quả trong bối cảnh không còn phân cấp cho cấp quận. Mô hình tổ chức cần được nghiên cứu kỹ để phù hợp với chính quyền hai cấp. TP.HCM cũng khẩn trương thành lập tổ tư vấn trong và ngoài nước, giao nhiệm vụ cụ thể để giải quyết các vướng mắc hiện tại.
Đối với những tồn đọng của metro số 1, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị ưu tiên giải quyết nhanh chóng các khiếu nại của nhà thầu trên cơ sở hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro, nhằm duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác.
Mỹ Quỳnh