Đây là định hướng quan trọng được ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM, nêu rõ tại cuộc họp về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tổ chức vừa qua.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Môi trường, cả nước hiện có khoảng 1.712 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 467 lò đốt, 38 dây chuyền sản xuất phân compost và khoảng 1.207 bãi chôn lấp.
Hiện nay, TP.HCM đang thu gom và xử lý khoảng 99,3% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày, tương đương 14.000 tấn sau sáp nhập địa giới hành chính. Trong đó, TP.HCM cũ chiếm khoảng 10.500 tấn, phần còn lại đến từ các khu vực cũ thuộc Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 40% lượng rác này được xử lý bằng các phương pháp công nghệ như đốt, sản xuất phân compost hoặc tái chế; phần lớn còn lại vẫn được chôn lấp hợp vệ sinh.
Nhằm khắc phục tình trạng lệ thuộc vào phương pháp chôn lấp truyền thống vốn tốn nhiều diện tích đất và tiềm ẩn rủi ro môi trường, TP.HCM đang từng bước chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện.
Một số dự án đã được xúc tiến như lò đốt quy mô 5 tấn/ngày tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ và một lò đốt tương tự tại xã An Thới Đông. Những công trình này được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi mô hình xử lý chất thải của Thành phố.
Tuy vậy, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về quy định pháp lý và sự thiếu đồng bộ giữa các địa phương sau sáp nhập.
Việc chưa có định mức kinh tế kỹ thuật rõ ràng và quy định cụ thể về chi phí dịch vụ vệ sinh môi trường đang gây cản trở trong thẩm định, phê duyệt phương án giá và triển khai thực hiện.
Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện và đơn vị liên quan rà soát, báo cáo cụ thể những vướng mắc để từ đó đề xuất giải pháp tổng thể cho công tác quản lý chất thải rắn sau sáp nhập.
TP.HCM cũng yêu cầu các xã, phường cần tăng cường giám sát các khu xử lý rác hiện hữu, chủ động đặt hàng các đơn vị đủ năng lực chuyển đổi từ công nghệ chôn lấp sang công nghệ đốt phát điện. Đồng thời, các bãi rác chôn lấp đã ngừng hoạt động cần sớm được cải tạo, phục hồi môi trường và tái lập mặt bằng nhằm tạo quỹ đất sạch cho Thành phố.
Trong bối cảnh cả nước đối mặt với áp lực ngày càng lớn về xử lý rác thải, TP.HCM không đơn độc trên hành trình chuyển đổi xanh này. Nhiều địa phương đã tiên phong triển khai các dự án nhà máy điện rác quy mô lớn.
Tại Hà Nội, Nhà máy điện rác Sóc Sơn hiện là công trình xử lý rác lớn nhất Việt Nam và đứng thứ hai thế giới, với công suất tiếp nhận 5.000 tấn rác/ngày và phát điện lên tới 90 MW. Kể từ khi đi vào vận hành vào cuối năm 2023, nhà máy này đã xử lý hơn 1,2 triệu tấn rác và góp phần giải quyết triệt để tình trạng ùn ứ rác thải tại Thủ đô.
Tương tự, tại Cần Thơ, nhà máy điện rác Trường Xuân mỗi ngày xử lý hơn 500 tấn rác và sản xuất khoảng 179 triệu kWh điện từ khi đi vào hoạt động năm 2018. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đưa vào vận hành Nhà máy điện rác Phú Sơn với công suất 500 tấn/ngày, sử dụng công nghệ đốt phát điện để thay thế phương pháp chôn lấp truyền thống.
Ngoài ra, Bắc Ninh, một địa phương có mức tăng trưởng công nghiệp nhanh chóng, cũng đã xây dựng kế hoạch vận hành 4 nhà máy điện rác đồng bộ vào năm 2024 nhằm xử lý triệt để rác sinh hoạt và một phần rác thải công nghiệp.
Tại Quảng Ngãi, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện với tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng đang được xem xét triển khai. Dự án này nằm trong quy hoạch khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất và dự kiến sẽ xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt tại địa phương bằng công nghệ hiện đại, đảm bảo thân thiện môi trường.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Môi trường, cả nước hiện có khoảng 1.712 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 467 lò đốt, 38 dây chuyền sản xuất phân compost và khoảng 1.207 bãi chôn lấp.
Tuy nhiên, phần lớn các bãi chôn lấp này không đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, dẫn tới nguy cơ ô nhiễm đất, nước và không khí. Vì vậy, chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
D.Ngân