Từ năm 2029, xe máy xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động giao hàng và xe ôm công nghệ tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.
Tại Dự thảo Đề án có đề xuất lộ trình từ đầu năm 2026, tài xế mới đăng ký với các ứng dụng bắt buộc phải sử dụng xe điện. Đồng thời, TP.HCM bắt đầu quá trình chuyển đổi xe đang hoạt động, với mục tiêu đến cuối năm 2026 thay thế 30% xe xăng, năm 2027 tăng lên 80% và hoàn tất vào năm 2028.
Từ năm 2029, xe máy xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động giao hàng và xe ôm công nghệ.
Để thực hiện mục tiêu, TP.HCM dự kiến áp dụng mô hình vùng phát thải thấp, bắt đầu cấm xe xăng lưu thông trong giờ cao điểm từ năm 2027 và cấm hoàn toàn từ năm 2028 tại các khu vực nhất định.
Trong 2 năm đầu, tài xế chuyển đổi sang xe điện sẽ được hỗ trợ ít nhất 2% lãi suất vay mua xe, miễn thuế VAT và lệ phí trước bạ. Từ năm thứ 3, mức hỗ trợ sẽ giảm một nửa. TP.HCM cũng dự kiến chi ngân sách hỗ trợ cho hàng chục nghìn tài xế thuộc diện khó khăn, cận nghèo.
Ngoài chính sách công, Dự thảo Đề án cũng kêu gọi các nền tảng công nghệ tham gia bằng cách quảng bá lợi ích xe điện, thưởng điểm cho tài xế sử dụng xe điện (500-1.000 đồng/chuyến), và khuyến khích người dùng chọn dịch vụ thân thiện môi trường.
Hiện TP.HCM có khoảng 50 điểm đổi pin, và sắp tới sẽ có thêm 2 doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống trạm sạc.
TP.HCM đang khảo sát các khu chung cư, nhà trọ để xây dựng bản đồ điểm sạc, từ đó kêu gọi đầu tư và ban hành chính sách phù hợp. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra an toàn hệ thống điện tại khu nhà trọ phục vụ tài xế sử dụng xe điện.
Nguồn kinh phí hỗ trợ dự kiến được bù đắp từ doanh thu bán tín chỉ carbon trong chương trình này.
Song song với kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe máy xăng, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đang lấy ý kiến về phương án hạn chế xe xăng tại khu vực ô nhiễm cao, đánh giá khí thải thực tế, đề xuất tiêu chuẩn khí thải mới và tiêu chí giới hạn phương tiện tại những khu vực chất lượng không khí kém.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ đồng bộ các giải pháp liên quan đến đất đai để phát triển bến bãi, trạm sạc và kiểm soát chặt việc nhập khẩu, phân phối nhiên liệu nhằm phù hợp với mục tiêu giảm phát thải.
Phía Sở Xây dựng cho biết đây là một phần trong Đề án kiểm soát khí thải phương tiện của TP.HCM với hai giai đoạn. Giai đoạn một đã triển khai hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sang năng lượng sạch. Mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ xe buýt tại thành phố sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường.
Giai đoạn hai đang được xây dựng cho toàn thành phố sau sáp nhập, dự kiến trình UBND và HĐND TP.HCM vào quý IV. Nội dung chính là xây dựng chính sách ưu đãi chuyển đổi xe xăng sang điện cho cá nhân, doanh nghiệp, taxi, xe công nghệ…
TP.HCM cũng sẽ hoàn thiện các giải pháp kiểm soát khí thải giao thông đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 bằng cách phân vùng kiểm soát khí thải, ưu tiên xe điện, hạn chế xe dùng xăng dầu tại một số khu vực.
Hiện, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM dự kiến trình dự thảo Đề án này lên UBND TP.HCM vào ngày mai (18/7). Sau đó là quá trình lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan, trước khi hoàn thành bản dự thảo cuối cùng và gửi kiến nghị đến Trung ương về một số cơ chế, chính sách ngoài thẩm quyền của TP.
Hồng Nhung