TP.HCM điều chỉnh quy hoạch metro theo mô hình đô thị mở rộng

TP.HCM điều chỉnh quy hoạch metro theo mô hình đô thị mở rộng
7 giờ trướcBài gốc
Động thái này được triển khai trên cơ sở Kết luận 49 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 188 của Quốc hội về định hướng phát triển không gian đô thị vùng TP.HCM và vùng phụ cận.
Tại cuộc họp về kế hoạch triển khai các nội dung của Ban Chỉ đạo phát triển mạng lưới đường sắt đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo và thành lập tổ giúp việc, tổ chuyên gia tư vấn để triển khai hiệu quả các nội dung theo tinh thần chỉ đạo cấp trung ương.
Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì rà soát toàn diện quy hoạch mạng lưới metro theo mô hình phát triển mới, gắn với không gian hành chính mở rộng.
Kế hoạch điều chỉnh cần được hoàn thiện và trình UBND TP.HCM trong tháng 7. Đồng thời, các sở ngành liên quan được yêu cầu triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được giao, định kỳ báo cáo Sở Xây dựng để tổng hợp và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Thành phố.
Song song đó, TP.HCM yêu cầu sớm hoàn thiện quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh phương án tuyến metro, vị trí công trình, quy hoạch khu vực phát triển định hướng giao thông (TOD), chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, chỉ tiêu sử dụng đất cũng như chức năng sử dụng đất trong khu vực TOD.
Sở Xây dựng và Sở Tư pháp được giao phối hợp xây dựng hồ sơ trình HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết liên quan, đảm bảo kịp thời cho kỳ họp ngày 27/7 tới.
Trên phương diện tài chính, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với MAUR và các cơ quan liên quan xây dựng đề án huy động và phân bổ nguồn vốn đầu tư, đảm bảo tiến độ triển khai hệ thống metro theo lộ trình trong Nghị quyết 188. Cùng với đó là việc khẩn trương xây dựng kế hoạch thực thi Luật PPP, hướng đến thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân cho các dự án hạ tầng chiến lược.
Trong một diễn biến liên quan, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đã có đề xuất gửi UBND TP.HCM và Sở Tài chính về việc giao nhiệm vụ và bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư hai tuyến metro kết nối khu vực tỉnh Bình Dương cũ.
Cụ thể, tuyến metro số 1 (TP mới Bình Dương - Suối Tiên) dài hơn 29km, đi trên cao với 17 ga, tổng mức đầu tư ước tính 46.725 tỷ đồng. Tuyến sử dụng chung depot Long Bình với tuyến Bến Thành - Suối Tiên và đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hiện đang chờ Chính phủ trình Quốc hội.
Tuyến metro số 2 (Thủ Dầu Một - Hiệp Bình Phước) có chiều dài hơn 21,8km, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 50.425 tỷ đồng. Dự án đã được Hội đồng thẩm định nội bộ tại địa phương thông qua, dự kiến kết nối với depot Hiệp Bình, dùng chung với tuyến metro số 3.
Theo Luật Đường sắt 2025 vừa được Quốc hội thông qua, các dự án đường sắt đô thị thuộc thẩm quyền địa phương sẽ được áp dụng cơ chế đặc thù, không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư như trước đây.
Điều này giúp rút ngắn thời gian và tăng tính chủ động cho các địa phương. UBND cấp tỉnh sẽ có toàn quyền trong việc lập, thẩm định và phê duyệt đầu tư theo trình tự tương tự như các dự án nhóm A do địa phương quản lý.
Trên cơ sở đó, MAUR kiến nghị UBND TP.HCM sớm giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho hai tuyến metro kết nối với Bình Dương, đồng thời đề xuất Sở Tài chính tham mưu trình HĐND TP.HCM bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trước mắt, đề xuất cấp 10 tỷ đồng cho mỗi dự án để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2025.
NH
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/tp-hcm-dieu-chinh-quy-hoach-metro-theo-mo-hinh-do-thi-mo-rong-320199.html