TP.HCM định hướng phát triển theo 6 phân vùng. Ảnh: Quỳnh Danh.
UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Xây dựng về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, TP.HCM định hướng phát triển theo 6 phân vùng, mỗi phân vùng được thiết kế theo mô hình đô thị đa chức năng, gắn với các khu vực trọng điểm mang tính vùng, quốc gia và quốc tế nhằm tạo lập môi trường sống chất lượng cao, đồng thời mở rộng cơ hội việc làm cho người dân.
Không gian phát triển của các phân vùng được tổ chức hài hòa với hệ thống giao thông công cộng nhằm nâng cao tính kết nối và hiệu quả sử dụng đất.
Cụ thể, phân vùng đô thị trung tâm, nằm trong Vành đai 2 và phía Bắc kênh Đôi - kênh Tẻ, có diện tích khoảng 172 km2, dự báo dân số đến năm 2040 đạt khoảng 5,4-6,05 triệu người.
Đây là khu vực giữ vai trò trung tâm hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức và đô thị sáng tạo. Trong đó, khu vực trung tâm Sài Gòn, Chợ Lớn và phụ cận được xác định là trung tâm chính của cả phân vùng cũng như toàn TP.
Phân vùng phía Đông (TP Thủ Đức) rộng khoảng 211 km2, dự kiến đến năm 2040 có 2,2-2,64 triệu dân. Đây là đô thị sáng tạo, trung tâm giáo dục - đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, tài chính, y tế và du lịch sinh thái.
Trong đó, khu vực Thủ Thiêm được định hướng phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế; trung tâm đô thị Thủ Đức đặt tại khu vực Trường Thọ - Rạch Chiếc và vùng phụ cận, còn trung tâm hỗ trợ đặt tại Long Phước - Tam Đa.
Trung tâm đô thị Thủ Đức dự kiến đặt tại khu vực Trường Thọ - Rạch Chiếc và vùng phụ cận. Ảnh: Quỳnh Danh.
Phân vùng phía Tây (đô thị Bình Chánh), với diện tích khoảng 233 km2 và dân số dự kiến 1,55-1,86 triệu người vào năm 2040, định hướng phát triển là đô thị công nghiệp, thương mại - dịch vụ, công nghệ và chăm sóc sức khỏe, trong đó có trung tâm y sinh hóa dược và đào tạo.
Phân vùng phía Bắc (đô thị Củ Chi - Hóc Môn) có quy mô lớn nhất trong số các phân vùng với diện tích khoảng 579 km2. Khu vực này được phát triển theo định hướng đô thị dịch vụ - nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe, kết hợp với không gian cảnh quan nông nghiệp, đồng thời hình thành các khu công nghiệp, giáo dục - đào tạo, công nghệ và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử...
Phân vùng phía Nam (quận 7 - Nhà Bè) có diện tích khoảng 194 km2, được định hướng trở thành đô thị công nghệ cao, sinh thái nước, phát triển kinh tế tri thức, văn hóa nghệ thuật, hội chợ - triển lãm, giải trí và logistics, đồng thời đóng vai trò trung tâm kinh tế biển của TP.
Phân vùng phía Đông Nam (đô thị Cần Giờ) rộng khoảng 732 km2, được xác định là khu sinh thái đặc thù, "lá phổi xanh" của TP, là cửa ngõ hướng biển phía Nam. Khu vực này sẽ phát triển thành trung tâm đổi mới sáng tạo, kinh tế biển, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, thương mại, cảng và logistics; đồng thời là trung tâm hậu cần nghề cá và nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến thủy sản.
UBND TP.HCM nhấn mạnh Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã nghiên cứu, phân tích các yếu tố địa lý, hiện trạng cũng như bối cảnh phát triển, đưa ra giải pháp quy hoạch phù hợp, tạo cơ sở, pháp lý để phát triển TP.HCM một cách bền vững, hiệu quả, trở thành một Thành phố toàn cầu, có nhiều giá trị đặc trưng và giàu bản sắc.
Việc thực hiện phát triển theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM là một trong những nội dung quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn Thành phố, thực hiện vai trò hạt nhân phát triển của vùng Đông Nam Bộ, vùng TP.HCM và vùng Đồng bằng Sông Cửu long, phát huy vai trò cực tăng trưởng quan trọng của cả nước.
Liên Phạm