TP.HCM dự kiến mở thêm 72 tuyến xe buýt

TP.HCM dự kiến mở thêm 72 tuyến xe buýt
8 ngày trướcBài gốc
Sở Giao thông Công chánh TP.HCM (GTCC) vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc ban hành quy định quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, thay thế Quyết định 20/2014 để phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn.
Theo sở này, từ khi Quyết định 20/2014 được ban hành, công tác quản lý hoạt động xe buýt tại TP.HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp vận tải được nâng cao, số lượng hành khách sử dụng xe buýt ngày càng tăng.
Hiện TP.HCM có tổng cộng 138 tuyến xe buýt, trong đó 108 tuyến xe buýt có trợ giá và 30 tuyến không được trợ giá (chủ yếu là tuyến liên tỉnh kết nối các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh). Trong giai đoạn 2025-2030, dự kiến sẽ mở thêm 72 tuyến, nâng tổng số lên 210 tuyến xe buýt.
Tính đến tháng 3-2025, toàn thành phố có 1.913 xe buýt có trợ giá đang hoạt động, trong đó 516 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG), 163 xe chạy điện và 1.234 xe chạy dầu Diesel. Ngoài ra, có 308 xe thuộc các tuyến không trợ giá (12 xe CNG, 5 xe điện và 291 xe Diesel).
TP.HCM có tổng cộng 138 tuyến xe buýt.
Cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế như diện tích bến bãi phục vụ xe buýt hiện chỉ đạt 37,42% theo quy hoạch. Thành phố có 39 bến bãi nhưng chỉ 15 bến nằm trong quy hoạch, còn lại là bến tạm. Ngoài ra, có 44 điểm đầu - cuối tuyến đậu tạm ở lòng lề đường.
Hệ thống điểm dừng hiện có 4.571 vị trí, trong đó 849 nhà chờ, 3.033 trụ dừng và 61 biển treo. Hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt còn thiếu và phân bố không đều giữa các khu vực, gây khó khăn trong tổ chức mạng lưới tuyến.
Sở GTCC cho rằng trong bối cảnh mới, Quyết định số 20/2014 cần được thay thế. Việc xây dựng quy định mới là cần thiết để cập nhật và hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong bối cảnh chuyển đổi số và những thay đổi của các cơ quan liên quan về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ.
Cụ thể, quy định mới sẽ bổ sung nhiều nội dung quan trọng như chính sách trợ giá, ưu đãi đầu tư phương tiện sử dụng điện và nhiên liệu xanh, cải thiện hạ tầng phục vụ xe buýt, điều chỉnh giá vé, lộ trình áp dụng hệ thống thu soát vé điện tử,nguồn thu từ vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ, các dịch vụ hỗ trợ vận tải hành khách công cộng…
Quy định mới cũng bổ sung loại hình xe buýt sử dụng xe ô tô thoáng nóc phục vụ khách du lịch, phù hợp xu hướng phát triển giao thông đô thị hiện đại.
Sở GTCC hy vọng quy định mới sẽ cụ thể hóa công tác tổ chức, quản lý hoạt động xe buýt tại TP.HCM, phù hợp với quy định hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, cải thiện dịch vụ, tăng lượng hành khách sử dụng xe buýt và nâng cao chất lượng sống đô thị.
NHƯ NGỌC
Nguồn PLO : https://plo.vn/tphcm-du-kien-mo-them-72-tuyen-xe-buyt-post843508.html