TP HCM đưa ra 3 phương án xử lý gỗ thu hồi từ cây xanh

TP HCM đưa ra 3 phương án xử lý gỗ thu hồi từ cây xanh
14 giờ trướcBài gốc
Theo đó, UBND TP HCM giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan, căn cứ các quy định pháp luật khẩn trương nghiên cứu nội dung kiến nghị của Sở Xây dựng về quy trình xử lý gỗ thu hồi từ công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn TP.
Trước đó, Sở Xây dựng có văn bản kiến nghị gửi UBND TPHCM về vấn đề trên.
Theo Sở Xây dựng, trước đây gỗ thu hồi được xử lý theo Quyết định số 61 của UBND TP. Tuy nhiên, hiện nay các căn cứ pháp lý trong Quyết định số 61 đã hết hiệu lực một phần hoặc toàn bộ. Đồng thời, chưa có quy định rõ ràng về quản lý, xử lý vật tư, vật liệu thu hồi thuộc loại tài sản kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bao gồm cả việc thanh lý gỗ thu hồi từ cây xanh.
Sở Xây dựng TP HCM đưa ra 3 phương án xử lý gỗ thu hồi từ cây xanh
Vì vậy, Sở Xây dựng đưa ra 3 phương án cụ thể như sau:
Phương án 1: Do chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể, việc bán đấu giá gỗ thu hồi sẽ tạm ngừng để chờ chỉ đạo từ cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, điều này có thể làm gia tăng khối lượng gỗ vượt quá sức chứa tại các bãi tập kết, gây khó khăn trong quá trình quản lý và bảo vệ. Trong khi đó, mỗi tháng lượng gỗ thu hồi bình quân khoảng 150 m³; nếu kéo dài, chất lượng gỗ có thể suy giảm, đặc biệt với một số loại gỗ đặc thù.
Phương án 2: Vận dụng Nghị định số 151 của Chính phủ để tiếp tục thanh lý, bán đấu giá gỗ. Hiện tại, Sở Xây dựng đang tổ chức việc thanh lý dựa trên văn bản này cùng Quyết định số 27 của UBND TP. Nhưng do dự kiến hủy bỏ Quyết định số 27, tính pháp lý của phương án này sẽ cần được rà soát thêm.
Phương án 3: Dựa vào Luật Quản lý và Sử dụng Tài sản Công, công tác xử lý, thanh lý gỗ sẽ giao cho Sở Tài chính thực hiện. Theo Điều 19 và Điều 18 của luật này, UBND tỉnh/huyện sẽ giao quyền cho cơ quan tài chính cùng cấp để quản lý, xử lý các tài sản công theo luật định.
Sở Xây dựng nhận định rằng phương án ba phù hợp quy định pháp luật hơn cả và kiến nghị UBND TP xem xét thông qua.
Tuy nhiên, trong khi chờ các cơ quan nghiên cứu và triển khai thực hiện phương án này, Sở đề xuất tiếp tục thực hiện phương án hai nhằm giảm thiểu rủi ro như xuống cấp chất lượng gỗ hoặc phát sinh thêm chi phí bảo quản, tăng áp lực sức chứa tại các kho bãi và đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.
Liên quan quá trình quản lý gỗ thu hồi từ lúc đốn hạ đến thanh lý:
Gỗ sau khi đốn hạ sẽ được giám sát bởi đơn vị quản lý tài sản (chủ đầu tư hoặc đơn vị tổ chức), phối hợp với nhà thầu cây xanh để lập hồ sơ.
Tại bãi tập kết, từng lóng gỗ sẽ được đánh số ký hiệu bằng sơn, triển khai các biện pháp phòng chống mối mọt và chụp che định kỳ hàng tháng nhằm duy trì chất lượng.
Công tác bảo vệ an ninh cho các bãi tập kết được tổ chức nghiêm ngặt.
Các đơn vị quản lý bãi gỗ sẽ xây dựng kế hoạch phòng cháy, bố trí đầy đủ thiết bị chữa cháy tại chỗ, cùng với sử dụng nguồn nước sẵn có để phản ứng nhanh nhất khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, hiện tại để tiến hành bán thanh lý số gỗ thu hồi, phải thực hiện quy trình đấu giá gồm tới 51 bước. Ngoài ra, việc này còn phải đối mặt với khả năng tổ chức đấu giá lại nếu đấu giá không thành công hoặc cần thay đổi phương thức xử lý tài sản.
Cụ thể, quy trình phê duyệt chủ trương thanh lý và bán đấu giá gỗ thu hồi gồm 2 bước; lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định và định giá gỗ thu hồi gồm 10 bước; thực hiện thẩm định và định giá gỗ thu hồi thêm 4 bước; lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cần 13 bước; tổ chức đấu giá trải qua 9 bước; ký hợp đồng mua bán tài sản gồm 12 bước; và cuối cùng là báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thanh lý về toàn bộ quá trình, diễn biến cùng kết quả đấu giá, chỉ cần 1 bước.
ÁI MY
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/tp-hcm-dua-ra-3-phuong-an-xu-ly-go-thu-hoi-tu-cay-xanh-196241116145914373.htm