Hội thảo "Từ rào cản đến cơ hội - Giải mã những thách thức trong công nghệ tài chính" (Fintech 2025), ngày 14/5/2025.
Bà Lê Thị Bé Ba, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (SIHUB) thông tin tại chương trình tuyển chọn dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính năm 2025 trong khuôn khổ của hội thảo "Từ rào cản đến cơ hội - Giải mã những thách thức trong công nghệ tài chính" (Fintech 2025), ngày 14/5/2025.
Theo đó, chương trình nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính TP.HCM. Bên cạnh đó, chương trình khuyến khích và tạo cơ hội cho các cá nhân, nhóm nghiên cứu và doanh nghiệp triển khai và phát triển các ứng dụng về Fintech.
Cụ thể, các startup phải tham gia đầy đủ các hoạt động hỗ trợ của chương trình. Đồng thời, các giải pháp đăng ký không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định. Tổ chức, cá nhân dự tuyển chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin trong hồ sơ dự tuyển. Đối với các dự án vượt qua vòng sơ tuyển phải đăng ký tài khoản và tạo hồ sơ trên nền tảng hoip.vn của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trước khi bước vào vòng tranh đấu.
“Ban Tổ chức ưu tiên chọn lựa những dự án có tính sáng tạo, năng lực thực hiện, hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội, thị trường tiềm năng, ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh. Trong đó, tiêu chí ứng dụng công nghệ bao gồm: giao diện ứng dụng; nền tảng lập trình; khả năng tương thích người dùng; chiến lược phát triển công nghệ", bà Lê Thị Bé Ba cho biết.
Đặc biệt, mức kinh phí hỗ trợ tương ứng với các giai đoạn của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo là 40 triệu đồng/dự án, không quá 6 tháng; giai đoạn ươm tạo là 80 triệu đồng/dự án, không quá 12 tháng; giai đoạn tăng tốc là 400 triệu đồng/dự án, không quá 12 tháng.
Về đối tượng tham gia ở nhóm 1 (giai đoạn tiền ươm tạo), cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có ý tưởng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính có khả năng chuyển giao, ứng dụng vào đời sống, sản xuất, kinh doanh.
Ở nhóm 2 (giai đoạn ươm tạo và tăng tốc), cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có các giải pháp, mô hình đổi mới sáng tạo, quy trình, trong lĩnh vực công nghệ tài chính đã có sản phẩm, có khả năng chuyển giao, ứng dụng vào đời sống, sản xuất, kinh doanh.
Theo Ban Tổ chức, từ tháng 4-6/2025 sẽ tiếp nhận hồ sơ; tháng 7/2025 là vòng sơ tuyển và huấn luyện kỹ năng; 8-9/2025 là vòng tranh đấu và công bố kết quả tuyển chọn; 10/2025, các startup sẽ tham gia hoạt động Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức; năm 2026 sẽ ươm tạo 35 dự án Fintech.
Bên cạnh Nghị quyết 20 của HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM cũng đã ban hành Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố. Đến nay, TP.HCM đã thành lập 2 Tổ công tác liên ngành để xem xét, các dự án đăng ký tham gia chính sách hỗ trợ lãi suất.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Khắc Huy, Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân (Sở Tài chính TP.HCM), cho biết các dự án thuộc lĩnh vực chuyển đổi số và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc đối tượng hỗ trợ toàn bộ lãi suất với mức vốn vay được ngân sách hỗ trợ không quá 200 tỷ đồng và thời gian hỗ trợ không quá 7 năm.
Theo Nghị quyết 57-NQ/TW, Fintech là lĩnh vực có tiềm năng mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống tài chính hiện đại. Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 8% vào năm 2025, với 2% ngân sách nhà nước dành cho khoa học công, nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó Fintech là trọng tâm.
Thị trường Fintech Việt Nam được định giá khoảng 16,9 tỷ USD vào năm 2024 và được dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 14,20% trong giai đoạn 2025-2033. Giá trị giao dịch Fintech cũng được dự báo sẽ tăng từ 16,62 tỷ USD năm 2024 lên 41,76 tỷ USD vào năm 2029.
Quốc Khánh