Sáng 28-4, tại Bộ Tư lệnh TP.HCM, Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức họp mặt Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, các cán bộ từ cấp Trung đoàn và tương đương trở lên là những nhân chứng lịch sử tham gia 5 cánh quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đến dự buổi họp mặt. Ảnh: T.THÙY
Buổi họp mặt diễn ra trong không khí thân tình, ấm áp của những ngày cả nước đang hân hoan đón chào kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).
TP.HCM không ngừng lớn mạnh sau 50 năm
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị cho biết, 50 năm sau đại thắng mùa Xuân 1975, TP.HCM không ngừng phát triển lớn mạnh, phát huy tinh thần cách mạng, năng động, sáng tạo, không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu đáng tự hào.
Các nhân chứng từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh cùng trò chuyện, chụp hình kỉ niệm với lãnh đạo TP. Ảnh: T.THÙY
Ông Nghị nhấn mạnh, TP.HCM đang đứng trước cơ hội phát triển mang tính bước ngoặt lịch sử. Đặc biệt, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp tinh gọn cấp xã theo chỉ đạo của Trung ương sẽ tạo ra thế và lực mới để phát triển thành phố và đất nước.
“Những thành tựu và sự phát triển của thành phố ngày hôm nay có sự đóng góp, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh; trong đó có sự cống hiến, đóng góp rất quan trọng của những Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các nhân chứng tham gia trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày hôm nay”- ông Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Cũng theo ông, kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để tri ân những người đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của tổ quốc.
TP.HCM xin bày tỏ sự kính trọng, tự hào và biết ơn sâu sắc với các đồng chí, các thế hệ đi trước – những người đã cống hiến, hy sinh, hun đúc nên ngọn lửa bất diệt của lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam.
Qua đó khơi dậy ý chí, niềm tin, quyết tâm tiếp bước vững chắc trên con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc của thế hệ hôm nay.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: T.THÙY
Ông Nguyễn Thanh Nghị cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu dự buổi họp mặt tiếp tục truyền lửa yêu nước, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh và khát vọng để xây dựng và phát triển TP.HCM trở thành một đô thị hiện đại, năng động, sáng tạo, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Sau 50 năm vẫn không quên tình cảm của người dân Sài Gòn- Gia Định
Là một trong những nhân chứng lịch sử từng tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tá Trần Văn Thân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 xúc động khi đến buổi họp mặt.
Ông xúc động vì đã quá lâu rồi, ông mới có dịp gặp lại các lãnh đạo chỉ huy, đồng chí, đồng đội đã từng chiến đấu, chia ngọt sẻ bùi qua những năm tháng trận mạc. 50 năm đã trôi qua, không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, ký ức về đại thắng mùa Xuân 1975 trong tâm trí vị đại tá vẫn vẹn nguyên. Nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống ngay trước khoảnh khắc đất nước giành độc lập, để lại niềm tiếc thương khôn nguôi.
50 năm qua, đại tá Thân vẫn không thể nào quên tình cảm gắn bó giữa quân với dân. Trong những thời khắc cam go, người dân Sài Gòn - Gia Định không quản hiểm nguy, tự nguyện dùng xe lam, xe kéo, phương tiện cá nhân để dẫn đường cho bộ đội chiếm lĩnh các cứ điểm trong thành phố.
Đại tá Trần Văn Thân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 xúc động khi đến buổi họp mặt. Ảnh: T.THÙY
Khi Trung đoàn 64 có thương vong ở cư xá sĩ quan Mỹ, người dân đã nhanh chóng đưa các chiến sĩ bị thương về nhà hoặc đến Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất) cứu chữa.
Đại tá Trần Văn Thân khẳng định: "Chiến thắng 30-4-1975 là thành quả chung của quân và dân, trong đó người dân Sài Gòn - Gia Định có đóng góp rất lớn".
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trở lại cuộc sống thời bình, đại tá Thân cùng các đồng đội luôn tích cực tham gia công tác xã hội, gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương.
Ông cũng như các cựu chiến binh cảm thấy ấm lòng khi chứng kiến TP.HCM thay đổi từng ngày, trở thành đô thị phát triển của đất nước và khu vực.
Các nhân chứng tham dự buổi họp mặt. Ảnh: T.THÙY
Gửi gắm đến thế hệ trẻ, Đại tá Trần Văn Thân mong người trẻ dù sống trong hòa bình nhưng không quên lịch sử, giữ mãi hào khí dân tộc, ghi nhớ những trang sử hào hùng của đất nước và công ơn của thế hệ đi trước để tiếp tục học hành, đóng góp công sức, trí tuệ, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.
Người trẻ có trách nhiệm phải sống xứng đáng
Tại đây, chị Võ Thị Phương Thảo (công tác tại Bộ đội Biên phòng TP.HCM) bày tỏ, chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh là niềm tự hào nhưng cũng là lời nhắc nhở đầy thiêng liêng: thế hệ trẻ không được phép lãng quên lịch sử.
“Chúng cháu nguyện sẽ sống và hành động như những người lính năm xưa – kiên cường, dũng cảm, yêu nước và trách nhiệm – để viết tiếp trang sử mới cho dân tộc bằng chính bàn tay và trái tim của tuổi trẻ”- chị Thảo nói.
Chị Thảo cũng khẳng định, được sống trong nền hòa bình được đánh đổi bằng máu và nước mắt của các thế hệ đi trước, thế hệ trẻ hôm nay càng hiểu rõ hơn bao giờ hết, rằng hòa bình là điều quý giá nhất và phải được bảo vệ bằng tất cả sự biết ơn, trách nhiệm.
"Đây không chỉ là động lực thúc giục thế hệ trẻ không ngừng nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng phát triển, mà còn là trách nhiệm phải sống xứng đáng, tiếp nối tinh thần bất khuất ấy để dựng xây quê hương"- chị nói.
THANH TUYỀN