TP.HCM huy động 5 triệu tỷ đồng: Không lo thiếu vốn, quan trọng là dùng hiệu quả

TP.HCM huy động 5 triệu tỷ đồng: Không lo thiếu vốn, quan trọng là dùng hiệu quả
4 giờ trướcBài gốc
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc bứt phá để hoàn thành các mục tiêu nhiệm kỳ và tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới. Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những động lực tăng trưởng của Thành phố cho giai đoạn sắp tới.
Cơ chế huy động 5 triệu tỷ đồng
Thưa ông, TP.HCM vừa công bố quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và ông cũng từng chia sẻ để đạt tăng trưởng hai con số, Thành phố dự kiến huy động trên 4,4 triệu tỷ đồng. Vậy, ngoài vốn đầu tư công, Thành phố đã chuẩn bị những gì để huy động nguồn lực khủng lồ này ngoài xã hội?
Trong quy hoạch Thành phố từ nay đến năm 2030, để đạt tăng trưởng hai con số, Thành phố cần ít nhất 4,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, đầu tư công là 1,1 triệu tỷ đồng, còn lại 3,3 triệu tỷ đồng huy động ngoài ngân sách.
Thành phố cũng xác định nhu cầu phải có ít nhất 5 triệu tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ thông tin và khoa học công nghệ… Các dự án cụ thể đã được liệt kê trong trong danh mục kèm theo của hồ sơ Quy hoạch.
Theo đó, ngoại trừ đường sắt đô thị dự kiến hoàn thành năm 2035, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông nội đô và kết nối liên vùng.
Khối lượng công việc này cần một lượng vốn rất lớn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có cuộc trao đổi với phóng viên nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ảnh: Trọng Tín
Đối với khoảng 5 triệu tỷ đồng này, Thành phố đã tính toán tương đối chi tiết. Riêng nguồn vốn ngoài ngân sách, Thành phố cần có những cơ chế, chính sách mà cụ thể là dành nguồn lực đất đai, khuyến khích các dự án đầu tư lớn, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, giải quyết các vướng mắc liên quan…
Do đó, trong quy hoạch, Thành phố sẽ dành nguồn lực đất đai để khuyến khích đầu tư các dự án lớn, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư.
Bên cạnh phát huy Nghị quyết 98, Thành phố cũng nghiên cứu thêm một số cơ chế, chính sách để thu hút vốn, làm sao để nếu như ngân sách bỏ ra 1 đồng thì thu hút thêm 8 - 9 đồng ngoài ngân sách. Một ví dụ cụ thể là cơ chế hợp vốn giữa Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) và các ngân hàng. Với mỗi 2 đồng từ HFIC, ngân hàng góp thêm 8 đồng, tạo nguồn vốn 10 đồng cho dự án.
Thành phố cũng huy động các nguồn vốn thông qua chương trình phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, trái phiếu công trình, dự án để huy động ngay nguồn vốn từ người dân Thành phố, trong nước và kiều bào ở nước ngoài.
Riêng với kiều hối, năm 2024 kiều hối qua Thành phố đạt 9,6 tỷ USD. Số tiền này rất lớn. Nếu chúng ta có chính sách và cách làm hợp lý, chắc chắn sẽ huy động được một phần trong số này.
Tôi tin nguồn vốn này không thiếu, vấn đề là cách chúng ta huy động và sử dụng số tiền này như thế nào, giải ngân số tiền này ra sao.
Bên cạnh việc huy động vốn, thành phố tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu và quy hoạch chuyên ngành. Sự chuẩn bị này không phải chỉ ở 5 triệu tỷ đồng mà nó phải là sự chuẩn bị sâu hơn về mặt quy hoạch, về mặt hồ sơ, về đội hình, đội ngũ, và tâm thế. Đó mới là sự chuẩn bị đồng bộ và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn sắp tới.
Khi công bố quy hoạch, đã bắt đầu có nhiều đề xuất thực hiện các dự án từ doanh nghiệp, gần đây nhất là Vingroup muốn đầu tư phát triển đường sắt đô thị từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ. Ông đánh giá thế nào về mối quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đối với Thành phố?
Thành phố đã làm việc với Vingroup và thống nhất nhiều nội dung quan trọng về định hướng xây dựng tuyến metro nối khu trung tâm với huyện Cần Giờ. Trong đó, nhà đầu tư sẽ chi kinh phí cho khâu nghiên cứu, các cơ quan của Thành phố sẽ phối hợp, hỗ trợ trong suốt quá trình, cập nhật dự án vào các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu để tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Không chỉ với Vingroup, chúng tôi đều có sự phối hợp để triển khai đối với các nhà đầu tư và các dự án khác. Trong thời gian tới, khi Thành phố hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành, các quy hoạch phân khu, chúng tôi rất khuyến khích các nhà đầu tư đề xuất tham gia các dự án lớn.
Thành phố sẽ đồng hành và hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu, đồng thời có những hỗ trợ tích cực, cải thiện thủ tục và môi trường để các nhà đầu tư triển khai nhanh nhất. Với cách làm như vậy, tôi tin rằng nguồn lực sẽ đổ vào các dự án và sẽ đóng góp vào tăng trưởng, giúp chúng ta đạt được chỉ tiêu tăng trưởng hai con số.
Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ có vai trò huy động nguồn vốn để đầu tư phát triển cho TP.HCM mà còn cho cả nước. Ảnh: Lê Toàn
Vậy với trung tâm tài chính quốc tế, ông kỳ vọng thế nào về vai trò của trung tâm này trong huy động nguồn lực?
Sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, Thành phố đang rất khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo. Hiện chúng tôi đang phối hợp cùng với Đà Nẵng và Bộ Kế hoạch Đầu tư chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết với những cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư và các thành phần tham gia vào trung tâm tài chính. Đây chắc chắn sẽ là một nguồn lực rất lớn về mặt tài chính cho nhu cầu đầu tư phát triển của Thành phố.
Tuy nhiên, còn nhiều việc khác cần thực hiện. Chúng tôi phải lập kế hoạch đầu tư cho hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin… Cùng với đó là xây dựng kế hoạch chuyên đề đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến trung tâm tài chính, nguồn nhân lực trực tiếp quản lý, điều hành và phục vụ tại trung tâm tài chính.
Đánh giá chung về việc đóng góp của trung tâm tài chính quốc tế cho việc huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển thành phố là điều tất yếu, không chỉ cho Thành phố mà cho cả nước.
Tất nhiên, ở những giai đoạn khác nhau, sự hiện diện của các tổ chức tài chính và sự tham gia sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta thiết kế nhanh hay chậm.
Áp dụng mô hình “chìa khóa trao tay” cho 355 km đường sắt đô thị
Trong số các dự án tạo động lực tăng trưởng cho Thành phố, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vừa được Thủ tướng phê duyệt đang nhận được sự quan tâm rất lớn. TP.HCM sẽ triển khai dự án này thế nào trong thời gian tới? làm thế nào hạn chế thấp nhất ảnh hưởng môi trường từ dự án này, thưa ông?
Dự án này cùng với cảng Cái Mép sẽ hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế, khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ các cảng trung chuyển quốc tế. Trên cơ sở đó, cảng tham gia vào chuỗi trung chuyển, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau khi có chủ trương đầu tư, thành phố đang phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp. Khi nhà đầu tư được xác định, họ sẽ trình dự án để các cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt. Thành phố phấn đấu khởi công và triển khai giai đoạn 1 của dự án vào ngày 2/9/2025.
Về vấn đề môi trường, ngay từ giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, Thành phố đã định hướng áp dụng công nghệ cảng xanh và cảng thông minh, nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực. Các khu vực dự án được lựa chọn ở những vị trí có ảnh hưởng ít nhất đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Đối với khoảng 90 ha đất rừng bị ảnh hưởng, thành phố đã lên kế hoạch trồng bù 270 ha, tức gấp ba lần diện tích bị tác động. Việc trồng bù này sẽ được thực hiện tại nhiều lô đất đã được xác định.
Thành phố cũng cam kết tiếp tục theo dõi và nghiên cứu trong suốt quá trình triển khai để đảm bảo các tác động tiêu cực đến môi trường và khu dự trữ sinh quyển được hạn chế ở mức thấp nhất.
Quan điểm phát triển của Thành phố là cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững.
Tất nhiên, dù không thể loại bỏ hoàn toàn tác động môi trường, Thành phố sẽ áp dụng công nghệ hiện đại, tăng cường giám sát và kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng tiêu cực. Đây là nỗ lực để đảm bảo rằng dự án vừa góp phần thúc đẩy kinh tế, vừa bảo tồn được giá trị thiên nhiên và môi trường.
TP.HCM sẽ áp dụng mô hình “chìa khóa trao tay” để rút ngắn thời gian chuẩn bị và thi công các tuyến metro từ 3 - 5 năm. Ảnh: Lê Toàn
Vậy với kế hoạch thực hiện 355 km đường sắt đô thị thì sao, thưa ông?
Trước mắt, Thành phố đang nỗ lực hoàn thiện để vận hành tuyến metro số 1 với tiêu chí an toàn và hiệu quả cao nhất. Đồng thời, phối hợp cùng TP. Hà Nội và Bộ Giao thông - Vận tải để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển đường sắt đô thị.
Thành phố dự kiến xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội, bao gồm cải tiến công tác chuẩn bị, quy trình đấu thầu và áp dụng mô hình “chìa khóa trao tay” để rút ngắn thời gian chuẩn bị và thi công từ 3 - 5 năm. Ngoài ra, Thành phố sẽ tập trung huy động nguồn vốn, đào tạo nhân lực và giải quyết các vấn đề tài chính liên quan đến dự án.
Dự kiến với cơ chế này, dự án metro số 2 sẽ được triển khai đầu tiên, đóng vai trò thí điểm để áp dụng các cơ chế và chính sách mới. Sau khi đánh giá hiệu quả, Thành phố sẽ tiến hành xây dựng theo nhóm từ 3 - 5 tuyến thay vì thực hiện lần lượt từng tuyến như trước đây.
Mục tiêu tổng thể của Thành phố là hoàn thiện mạng lưới 355 km đường sắt đô thị vào năm 2035. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi sự tham gia của các chuyên gia tư vấn quốc tế không chỉ trong thiết kế mà còn trong quản lý dự án, đảm bảo thực hiện hiệu quả và đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Với các “đại công trường” sẽ thực hiện trong 5 đến 10 năm tới, ông kỳ vọng diện mạo Thành phố sẽ thay đổi như thế nào?
Tôi tin rằng đến năm 2030, TP.HCM sẽ cơ bản giải quyết được các vấn đề về hạ tầng. Thành phố sẽ sở hữu hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, bao gồm giao thông, đô thị, khoa học công nghệ và các hạ tầng xã hội khác.
Những vấn đề tồn đọng như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, thiếu trường học sẽ được xử lý hiệu quả, góp phần nâng cao môi trường sống và điều kiện sinh hoạt của người dân, đồng thời tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo tính toán, nếu các kế hoạch được thực hiện đúng tiến độ và đạt mục tiêu vào năm 2030, Thành phố không chỉ đạt được bước tiến vượt bậc mà còn tạo đà tăng trưởng từ hai con số trong giai đoạn 2030 - 2040.
Hiện tại, Thành phố đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp không chỉ về hạ tầng giao thông và đô thị mà còn về hạ tầng pháp lý, tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực. Những nỗ lực này sẽ mang lại một diện mạo hoàn toàn mới cho TP.HCM sau năm 2030, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Nuôi dưỡng các động lực tăng trưởng mới
Ông liên tục nhấn mạnh đến mục tiêu tăng trưởng hai con số, và tất nhiên để đạt được kết quả này không chỉ đến từ việc thực hiện quy hoạch mà còn phải làm mới động lực tăng trưởng cũ, khai thác hiệu quả động lực tăng trưởng mới?
Thành phố đã xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ năm 2025 và trong giai đoạn 2026 - 2030 đạt mức 10%, coi đây là một bước ngoặt quan trọng, không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố mà còn đóng vai trò dẫn dắt cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Thành phố sẵn sàng nhận trách nhiệm tiên phong, cam kết đạt mức tăng trưởng vượt trội và sẽ nỗ lực nhiều hơn nếu Trung ương đặt ra mục tiêu cao hơn, như 11 - 12%.
Trong chiến lược phát triển, Thành phố đang tái cơ cấu các ngành kinh tế truyền thống, theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng cao hơn. Đồng thời, tái cơ cấu các ngành dịch vụ chất lượng cao, có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Mặc dù các ngành kinh tế truyền thống vẫn đóng vai trò nền tảng, nhưng Thành phố nhận thức rõ rằng cần đổi mới liên tục để duy trì tỷ trọng lớn trong tăng trưởng. Song song với đó, Thành phố đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc phát triển các động lực mới như kinh tế số và kinh tế xanh.
Kinh tế số và kinh tế xanh sẽ là động lực tăng trưởng mới của TP.HCM trong tương lai. Ảnh: Lê Toàn
Hiện tại, kinh tế số đã có những bước chuyển biến rõ nét, trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế; đối với kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn xanh để đáp ứng yêu cầu từ các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ.
Tất nhiên, sự chuyển động cần cả một quá trình chứ không thể tháng này nói, tháng sau có được. Thành phố đã nhận thức được điều này, tức là nuôi dưỡng các động lực này đến một lúc đủ lớn mới có thể bứt phá.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng câu chuyện cải cách thể chế cần được đặt lên đầu tiên, xem đây là một nhiệm vụ rất quan trọng để tháo gỡ, mở đường cho tăng trưởng kinh tế.
Tôi nhìn thấy trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIV sắp tới, câu chuyện cải cách thể chế được đặt lên đầu tiên, nhấn mạnh rằng đây là một nhiệm vụ rất quan trọng để tháo gỡ và mở đường cho tăng trưởng phát triển. Tuy nhiên, việc này phải rất đồng bộ. Thậm chí, chúng ta phải tính tới chuyện có đề xuất nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp hay không?, và luật phải sửa bao nhiêu?.
Ở cấp địa phương, Thành phố đang nghiên cứu thực tiễn để kiến nghị với Trung ương một số nội dung và tự mình làm một số nội dung. Trong đó, thể chế về kinh tế cần được tiếp tục cải cách theo hướng doanh nghiệp, người dân được làm những gì mà luật không cấm, tạo luồng xanh để những nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và tiến hành hậu kiểm.
Lúc này, Nhà nước tập trung quản lý những việc cần thiết, còn lại sẽ do thị trường, xã hội thực hiện.
Trọng Tín
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/tphcm-huy-dong-5-trieu-ty-dong-khong-lo-thieu-von-quan-trong-la-dung-hieu-qua-d242045.html