Ngày 26-11, UBND TP HCM tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, thành phố sẽ thực hiện sắp xếp 80 phường ở 10 quận (3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận) để hình thành 41 phường mới, sau sắp xếp giảm 39 phường.
Hai giai đoạn sắp xếp
Việc sắp xếp 80 phường trên địa bàn TP HCM sẽ được tiến hành theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 1-12, các địa phương tiến hành sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội; chỉ định Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư các phường; bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường mới. Đến cuối năm 2024, quá trình này sẽ hoàn tất và bộ máy mới đi vào hoạt động.
Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP HCM, chiều 26-11
Việc thay đổi con dấu, bảng tên, bảng hiệu các cơ quan, đơn vị theo tên mới; sắp xếp cơ sở vật chất, tài sản, tài chính… cũng được thực hiện trong giai đoạn này.
Giai đoạn 2 từ ngày 1-1-2025 sẽ tập trung vào việc hoàn thiện tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức sau sắp xếp, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Trong quá trình sắp xếp, thành phố đặc biệt quan tâm đến việc đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức và nhân dân.
Nhất là đảm bảo quyền lợi của người dân trong quá trình chuyển đổi giấy tờ sau khi đơn vị hành chính mới hình thành. Việc giải quyết các thủ tục hành chính sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng, thuận tiện và không thu bất kỳ khoản phí, lệ phí nào khi người dân thay đổi giấy tờ do sắp xếp.
Khẩn trương, nghiêm túc
Vấn đề này cũng được Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan quán triệt đến các địa phương trong phát biểu kết luận chỉ đạo hội nghị.
Ông Võ Văn Hoan đặc biệt nhấn mạnh không được thu bất kỳ loại phí, lệ phí nào khi người dân, tổ chức chuyển đổi giấy tờ liên quan đến việc thay đổi địa giới hành chính. Theo ông, khi người dân có nhu cầu giao dịch, phát sinh sự kiện pháp lý thì địa phương hỗ trợ điều chỉnh giấy tờ luôn, chứ không bắt người dân phải đi chuyển đổi.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh không được thu bất kỳ khoản phí nào khi người dân chuyển đổi giấy tờ liên quan việc thay đổi địa giới hành chính
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, sắp xếp đơn vị hành chính là một chủ trương lớn, cần có sự quyết tâm và phối hợp đồng bộ từ trên xuống dưới mới thực hiện được. Do đó, ông yêu cầu 10 quận phải thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, tuân thủ quy định, quy trình và hướng dẫn. Việc thực hiện phải tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy một cách toàn diện.
Về phương án sắp xếp cơ sở vật chất theo hướng tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả, không để bỏ hoang, bỏ trống.
Ông Võ Văn Hoan cũng yêu cầu giải quyết tốt chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp. "Sau sắp xếp dôi dư 1.022 người. Tinh thần là sắp xếp cán bộ dôi dư theo lộ trình, làm từng bước, từng trạm"- ông nêu rõ.
Ông Võ Văn Hoan cũng lưu ý khi sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức phải ưu tiên bố trí sử dụng cho địa phương trước. Khi địa phương hết biên chế thì đề xuất bố trí lên quận, thành phố đối với cán bộ có năng lực, tầm nhìn. Sắp xếp cán bộ, công chức một cách hợp lý, đảm bảo không gây lãng phí nguồn nhân lực.
Trong thời gian từ ngày 28 đến 31-12-2024, UBND các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận sẽ tổ chức công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP HCM giai đoạn 2023 - 2025.
PHAN ANH