Ngày 8/7, UBND TP.HCM có văn bản khẩn gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố, yêu cầu khẩn trương triển khai giai đoạn 2 việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp, phù hợp với tình hình thực tiễn sau khi thực hiện sáp nhập tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP.HCM.
TP.HCM chỉ đạo khẩn trương sắp xếp bộ máy sau sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đó, đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP giao thủ trưởng các sở, ngành chủ động phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng đề án tổ chức lại cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc ngành mình. Các đề án cần đảm bảo phù hợp thực tiễn TP.HCM và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cơ quan hành chính khác phải tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định hiện hành cho đến khi có quyết định mới từ cấp có thẩm quyền. Sau khi có quyết định sắp xếp, thủ trưởng các cơ quan này phải chủ động phối hợp xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức phù hợp để trình UBND TP.HCM phê duyệt.
UBND TP.HCM giao thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập khẩn trương rà soát, thực hiện sắp xếp theo Đề án tổng thể đã phê duyệt. Đồng thời, thành phố cũng chỉ đạo cụ thể một số sở, ngành phụ trách các lĩnh vực có liên quan.
Cụ thể, Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu sắp xếp các Ban Quản lý dự án và đơn vị có liên quan.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất, các Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng; xây dựng đề án hợp nhất các Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, Quỹ Bảo vệ môi trường.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng đề án hợp nhất các Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ cùng các đơn vị liên quan.
Sau sáp nhập, TP.HCM mới có diện tích tự nhiên hơn 6.722km2, dân số hơn 14 triệu người.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng đề án sắp xếp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy và các cơ quan liên quan xây dựng đề án sắp xếp các đài truyền hình, phát thanh gồm: HTV, VOH, Đài PT-TH Bình Dương, Đài PT-TH Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời tinh gọn hệ thống báo, tạp chí thuộc UBND TP làm chủ quản.
Sở Tài chính phối hợp với Quỹ Đầu tư phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu để sắp xếp lại mô hình tổ chức quỹ cho phù hợp với mô hình thành phố mới.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đầu tư TP.HCM chủ trì xây dựng đề án sáp nhập bộ máy xúc tiến đầu tư, thương mại từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ vào TP.HCM; riêng chức năng xúc tiến du lịch sẽ nhập vào Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP.HCM.
Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM chủ trì xây dựng đề án sáp nhập Trung tâm Chuyển đổi số, Trung tâm Giám sát - điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Dương cũ và chức năng công nghệ thông tin từ các trung tâm ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ vào Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM.
Riêng với các trường Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Thủ Dầu Một, UBND TP.HCM yêu cầu tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định hiện hành cho đến khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền. Sau đó, hiệu trưởng các trường phải chủ động phối hợp xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động phù hợp để trình phê duyệt.
Để đảm bảo tiến độ, UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần khẩn trương xây dựng và hoàn chỉnh đề án sắp xếp, gửi về Sở Nội vụ trước ngày 21.7.2025. Trên cơ sở này, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp, tham mưu UBND TP.HCM trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cao Cường