Lễ khởi công xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn kết nối công viên Bến Bạch Đằng với Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).
Tham dự lễ khởi công có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, cùng các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ.
Công trình mang tính biểu tượng kết nối, mở rộng không gian phát triển
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chia sẻ: "Hôm nay, trong không khí cả nước hân hoan hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta vui mừng, phấn khởi và long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về kết nối giao thông, mà còn mang tính biểu tượng kết nối, mở rộng không gian phát triển khu vực trung tâm TP."
Đại biểu nhấn nút khởi công công trình Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn nối liền hai công viên, nằm ở vị trí hết sức đặc biệt ngay tại khu vực Trung tâm TP. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là địa điểm lý tưởng phục vụ người dân và du khách trải nghiệm, thư giãn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông Sài Gòn và cảnh quan khu vực với điểm độc đáo của cầu là thiết kế mang hình dáng chiếc lá dừa nước – hình ảnh thân thuộc của vùng đất Nam Bộ, phong cách ấn tượng, hiện đại.
Cầu còn mang ý nghĩa tôn vinh nét đẹp truyền thống, hòa quyện với cảnh quan hiện đại của thành phố, kỳ vọng sẽ tạo sức hút đặc biệt với người dân và du khách đến với TP.HCM.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị để khởi công dự án cầu đi bộ sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch. Ảnh: THUẬN VĂN
Không chỉ có vị trí xây dựng, kết cấu, kiến trúc hết sức đặc biệt, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn còn là một công trình rất đặc biệt khi được xây dựng với tấm lòng tri ân sâu sắc, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng cao cả khi dự án được tài trợ toàn bộ kinh phí bởi Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 1.000 tỉ đồng.
Công trình sẽ hoàn thiện vào dịp 30-4-2026, hứa hẹn trở thành một biểu tượng kiến trúc và là điểm nhấn trong không gian đô thị của TP.
"Thay mặt chính quyền và nhân dân TP.HCM, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood - nhà tài trợ chính của dự án, Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh- đơn vị tài trợ tổ chức thi tuyển kiến trúc quốc tế của dự án – cùng cộng đồng các doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội cao cả, đồng hành cùng thành phố trong việc tạo ra những công trình có giá trị cho cộng đồng, góp phần phát triển đô thị ngày càng hiện đại" - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP.HCM gửi lời cảm ơn tới nhà tài trợ Nutifood. Ảnh: THUẬN VĂN
Việc khởi công công trình hôm nay là một trong những hành động thiết thực nhằm chào mừng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước và là bước tiến mới, giúp nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đồng thời tạo thêm các công trình điểm nhấn có giá trị đặc biệt trong quy hoạch TP.
TP.HCM đang trong quá trình thực hiện nhiều mục tiêu phát triển chiến lược, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc, lưu giữ được những ký ức. Cây cầu sẽ là minh chứng cho sự phát triển của TP.HCM với vai trò là một đô thị lớn, không ngừng hiện đại hóa, với tầm nhìn phát triển là TP toàn cầu nhưng vẫn giữ cho mình những giá trị văn hóa bền vững.
"Nhân dịp này, tôi ghi nhận biểu dương Sở Giao thông công chánh, các sở ban ngành liên quan, các đơn vị tư vấn đã hết sức nỗ lực, triển khai dự án với tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm cao, để đến hôm nay công trình đã đủ điều kiện chính thức khởi công. TP.HCM luôn trân trọng những đóng góp quý báu, hào hiệp, giá trị từ cộng đồng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, bạn bè và du khách, người dân TP.
Một ngày không xa, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn sẽ không chỉ là nơi phục vụ giao thông công cộng mà còn trở thành một không gian gắn kết cộng đồng, một công trình biểu tượng, nhận diện của TP.
Công trình này cùng với dòng sông Sài Gòn sẽ như một minh chứng cùng thời gian, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ và khát vọng vươn lên không ngừng của Sài Gòn - TP.HCM, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu trong niềm tri ân và tự hào với lịch sử" - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.
Gần 1.000 tỉ đồng được doanh nghiệp tài trợ để làm cầu
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông công chánh (GTCC) cho biết cầu đi bộ qua sông Sài Gòn là công trình có vị trí hết sức đặc biệt, nằm tại khu vực Trung tâm TP với yêu cầu rất cao về mặt thẩm mỹ và được lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM hết sức quan tâm.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông công chánh. Ảnh: THUẬN VĂN
UBND TP.HCM đã tổ chức thi tuyển kiến trúc quốc tế với sự hỗ trợ của Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh và kết quả được tuyển chọn là phương án kiến trúc của Liên danh Chodai- Takashi Niwa và Chodai Kisojiban Việt Nam, với thiết kế theo hình dáng chiếc là dừa nước.
Đây là một biểu tượng văn hóa thân thuộc của vùng đất Nam Bộ, phong cách thiết kế ấn tượng, giản dị, mang ý nghĩa tôn vinh nét đẹp truyền thống và hòa quyện với cảnh quan hiện đại của TP.
Hình ảnh phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Ảnh: Sở GTCC cung cấp
Sau khi phương án kiến trúc cầu được phê duyệt đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, cộng đồng doanh nghiệp, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã đề xuất tài trợ kinh phí để xây dựng công trình nhằm tri ân người dân TP.HCM nói riêng và người dân cả nước nói chung. Đồng thời góp phần vào mục tiêu phát triển của TP.HCM.
Tại thời điểm đề xuất, dự án có nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp tài trợ không thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các quy định pháp luật về đầu tư. Do đó, để triển khai đầu tư cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, Sở GTCC đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, liên quan nghiên cứu, xây dựng quy trình tiếp nhận từ nguồn tài trợ tổ chức, cá nhân.
Được sự thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP.HCM đã chấp thuận ban hành quy trình tiếp nhận. Trải qua các bước thẩm định, phê duyệt chặt chẽ, đến nay công trình đã đủ điều kiện để khởi công sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch.
Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Nutifood chia sẻ: "Sự kiện khởi công cầu đi bộ qua sông Sài Gòn là món quà và tấm lòng của toàn thể cán bộ nhân viên Nutifood tri ân tất cả người tiêu dùng trên cả nước đã yêu mến đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt 25 năm qua và mảnh đất Sài Gòn - TP.HCM, nơi công ty đã hình thành và phát triển.
Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Nutifood kỳ vọng cây cầu sẽ trở thành động lực khuyến khích lối sống năng động, lành mạnh, thân thiện với môi trường của người dân. Ảnh: THUẬN VĂN
Hôm nay, trong thời khắc ý nghĩa này, chúng tôi cảm thấy vinh dự và cả trách nhiệm khi được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung.
Cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn không chỉ đơn thuần là một công trình hạ tầng giao thông, mà còn là biểu tượng của sự kết nối, phát triển bền vững và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tôi tin rằng khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cây cầu sẽ trở thành động lực khuyến khích lối sống năng động, lành mạnh, thân thiện với môi trường của người dân. Qua đó góp phần xây dựng một cộng đồng vững mạnh cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Dưới đây là hình ảnh buổi lễ cầu đi bộ qua sông Sài Gòn sáng 29-3:
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được trò chuyện cùng khách mời. Ảnh: THUẬN VĂN
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trò chuyện cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: THUẬN VĂN
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cùng ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Ảnh: THUẬN VĂN
Dự kiến công trình cầu đi bộ sẽ hoàn thành trong 1 năm. Ảnh: Sở GTCC cung cấp
Mô hình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn do Nutifood tài trợ. Ảnh: ĐÀO TRANG
Cầu đi bộ có kiến trúc độc đáo, ấn tượng
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTCC, dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, vị trí cầu phía quận 1 tại khu vực công viên Bến Bạch Đằng và phía TP Thủ Đức tại khu vực Công viên bờ sông.
Phối cảnh cầu đi bộ.
Tổng chiều dài cầu khoảng 720m, chiều rộng (6 +11)m, tĩnh không thông thuyền 80x10(m); giải pháp kết cấu vòm thép không gian lần đầu áp dụng tại Việt Nam và là một trong các cầu bộ hành độc đáo, ấn tượng nhất trên thế giới.
Từ cầu đi bộ, người dân có thể tham gia các sự kiện văn hóa và nghệ thuật, đồng thời cũng sẽ trở thành địa điểm gắn kết xã hội và thúc đẩy du lịch.
ĐÀO TRANG
THUẬN VĂN