Để Nghị quyết 98 của Quốc hội là động lực phát triển, TP HCM cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên tinh thần địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Có hiệu lực từ ngày 1-8-2023, đến nay, TP HCM đã có 16 tháng thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 và đạt một số kết quả nổi bật.
Đã áp dụng 29 cơ chế đặc thù
UBND TP HCM cho biết việc thực hiện Nghị quyết 98 bước đầu tạo động lực giúp thành phố thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; từng bước khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước và chủ động triển khai một số chức năng nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đã đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính, đô thị, khoa học - công nghệ và tổ chức bộ máy chính quyền.
Có 29/44 cơ chế đặc thù đã được áp dụng; trong đó có 20 cơ chế bước đầu đạt kết quả, 9 cơ chế đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục và các bước tiếp theo để triển khai đúng quy định. Trong 15 cơ chế chưa áp dụng có 2 cơ chế đang chờ bộ, ngành bổ sung quy định; 1 cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế; 5 cơ chế chưa đề xuất áp dụng; 7 cơ chế thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.
Đi vào từng lĩnh vực cụ thể cho thấy: Về quản lý đầu tư, đã bố trí 3.794 tỉ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm. Thông qua danh mục phát triển hạ tầng dọc các tuyến metro, Vành đai 3 và 41 dự án đầu tư y tế, giáo dục, văn hóa theo hình thức đối tác công - tư. Đáng chú ý, 5 dự án BOT đã được phê duyệt với tổng vốn trung hạn 50 tỉ đồng để triển khai đến năm 2028.
Cân đối ngân sách, sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi thu nhập tăng thêm nhằm tạo động lực, giữ chân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố với hơn 11.000 tỉ đồng. Triển khai các cơ chế đặc thù như chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để phục vụ phát triển kinh tế; đầu tư xây dựng các căn hộ nhà ở xã hội; thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Thực hiện Nghị quyết 98, TP HCM từng bước phân cấp, ủy quyền hiệu quả hơn; hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, bảo đảm hiệu năng, phù hợp với thực tiễn, khối lượng công việc. Trước yêu cầu thực tiễn phát triển, thành phố được phép thành lập Sở An toàn thực phẩm, Trung tâm Chuyển đổi số, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Mô hình chính quyền đô thị TP Thủ Đức hoạt động ổn định, phát huy được vai trò, thế mạnh Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Việc thực hiện Nghị quyết 98 mang lại nhiều kỳ vọng về đổi mới và phát triển cho TP HCM nhưng cũng đặt ra thách thức cần giải quyết và được chính quyền thành phố nhận diện. Theo UBND TP HCM, các cơ chế, chính sách đột phá vượt trội tại Nghị quyết 98 được thực hiện theo cơ chế thí điểm nhưng trong hướng dẫn thực hiện thì thành phố phải làm theo quy trình thủ tục hiện hành nên phát sinh khó khăn về căn cứ pháp lý. Hiện chỉ có bộ, ngành được ban hành quy trình thủ tục, TP HCM chưa được phân cấp thực hiện. Nhiều quyết định vẫn phải chờ ý kiến của các bộ, ngành Trung ương.
Nhìn nhận vướng mắc trên, TS Phan Hải Hồ, Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật - Học viện Cán bộ TP HCM, cho rằng cần phân quyền, cấp quyền mạnh hơn nữa, địa phương tự quyết, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Song song đó, cần điều chỉnh một số luật chuyên ngành.
Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô và vị trí vai trò của TP HCM gắn với việc tổ chức các đô thị trực thuộc thành phố trong quá trình đô thị hóa 5 huyện; trong đó phát huy cao nhất tính năng động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cơ sở.
Đánh giá cao những kết quả TP HCM đạt được bước đầu sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 98, TS Trương Đức Thuận, Tạp chí Cộng sản, cho rằng cần có hướng tháo gỡ những "điểm nghẽn" nhằm tạo động lực mới cho các cơ chế, chính sách đặc thù tiếp tục được hiện thực hóa, phát huy tính hiệu quả.
Trước hết, song song với việc sớm hoàn thiện các chính sách đầu tư chiến lược triển khai cơ chế, định chế tài chính đầu tư và các dự án… trình Trung ương phê duyệt, TP HCM cần có sự chủ động bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể để khi chủ trương được thông qua là triển khai ngay vào thực tiễn. Bên cạnh đó, người đứng đầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành các công việc một cách thông suốt; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới giải quyết tốt các phần việc được giao; không đùn đẩy công việc, trách nhiệm.
Thí điểm cơ chế trao đổi tín chỉ carbon
Để thực hiện Nghị quyết 98 hiệu quả hơn nữa, UBND TP HCM đã đề ra nhiều đầu việc cụ thể thực hiện trong năm 2025. Theo đó, thành phố tiếp tục nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết 98 nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những "điểm nghẽn", nhất là huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển; đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương.
Trong lĩnh vực quản lý đầu tư, thành phố sẽ ban hành quy định chi tiết mẫu công bố thông tin danh mục các dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP HCM. Quyết định danh mục ngành, nghề ưu đãi mới phát sinh theo xu thế phát triển công nghệ mới của thế giới hoặc từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của thành phố phù hợp với định hướng của quốc gia về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, phát triển bền vững.
TP HCM sẽ tổ chức đấu giá cho thuê đối với mặt bằng sản xuất kinh doanh, cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 167/2017 và Nghị định 67/2021. Quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật các dự án đầu tư công độc lập vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận thành phố.
Đáng chú ý, TP HCM sẽ ban hành Đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Trong lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiếp tục hoàn thiện, trình HĐND thành phố Nghị quyết về chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân liên quan đến hoạt động đổi mới sáng tạo; ban hành chính sách hỗ trợ bảo đảm tính chất đặc thù của thành phố đối với doanh nghiệp công nghệ cao, tổ chức khoa học và công nghệ.
Về tổ chức bộ máy chính quyền, UBND TP HCM quyết định ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND thành phố, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp tình hình thực tiễn. Quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND thành phố, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức.
TS Huỳnh Thế Du, Đại học Indiana - Mỹ, gợi ý TP HCM thực hiện mô hình TOD (lấy giao thông công cộng làm trung tâm).
Theo ông, trước mắt, nên lựa chọn khu vực Thủ Đức để hướng tới việc triển khai các cơ chế thử nghiệm của mô hình đặc khu. Có thể kết hợp các mô hình khai thác giá trị từ đất gồm: thu hồi đất, thuế cải thiện (betterment levy) và phí phát triển (development fee) cho mô hình này.
TP Thủ Đức hoạt động ổn định
Thực hiện Nghị quyết 98, mô hình chính quyền đô thị TP Thủ Đức đang đi vào hoạt động ổn định với tổ chức bộ máy chính quyền địa phương thành phố phù hợp, chuyên sâu, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Tại Nghị quyết 98 quy định 2 cơ chế về phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy chính quyền. Trong đó, cơ chế phân cấp, ủy quyền đã được triển khai kịp thời, đồng bộ và thiết thực, giúp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, góp phần quan trọng để TP Thủ Đức đạt tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 98%. Việc này đã tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Thủ Đức phát huy vai trò, thế mạnh trong thực hiện nhiệm vụ được giao, giảm khâu trung gian, từ đó rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
TP Thủ Đức cũng chủ động thành lập một số đơn vị trực thuộc phù hợp yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước tại địa phương như Trung tâm Hành chính công; Phòng Giao thông công chính.
Bài và ảnh: PHAN ANH