Công nhân đóng gói các sản phẩm sữa giả. Ảnh: Công an Nhân dân.
PGS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, vừa có chỉ đạo tăng cường kiểm tra nội dung trên. Mục đích của đợt kiểm tra này là nhằm phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh.
Kế hoạch kiểm tra được triển khai sau khi lực lượng chức năng phanh phui đường dây sản xuất và tiêu thụ tới 573 nhãn hiệu sữa bột giả, bao gồm cả các sản phẩm dành cho người có bệnh nền như tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai. Ước tính doanh thu từ đường dây này lên đến gần 500 tỷ đồng, với một "hệ sinh thái" phân phối rộng khắp cả nước, được điều hành thông qua hai doanh nghiệp chủ chốt là Rance Pharma và Hacofood Group cùng 9 công ty con khác.
Đáng chú ý, Bộ Y tế đã ghi nhận khoảng 10% trong số các nhãn hiệu sữa giả này đã được công bố chất lượng tại Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, hơn 300 nhãn hiệu công bố ở Hòa Bình và hơn 200 nhãn hiệu khác công bố tại Vĩnh Phúc cùng các địa phương khác.
Mặc dù TP.HCM hiện chưa ghi nhận các nhãn hiệu nằm trong danh sách sữa giả nói trên, Sở An toàn Thực phẩm Thành phố vẫn quyết định triển khai kế hoạch kiểm tra diện rộng. Phạm vi kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa chế biến, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
Các hạng mục kiểm tra không chỉ bao gồm hồ sơ giấy tờ pháp lý mà còn đi sâu vào nội dung công bố sản phẩm, điều kiện vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất. Cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng thực tế của hàng hóa đang lưu thông trên thị trường.
Bà Lan nhấn mạnh yêu cầu công tác kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm để nắm bắt đầy đủ, cụ thể tình hình chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm chất lượng.
Mục tiêu cao nhất của đợt kiểm tra là kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn hiệu quả các sản phẩm không đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường.
Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM cũng yêu cầu các đoàn kiểm tra phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, tuân thủ đúng quy trình và thủ tục pháp luật, đồng thời không gây cản trở đến hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân thuộc diện kiểm tra. Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM yêu cầu các đoàn kiểm tra báo cáo kết quả sau khi kết thúc đợt kiểm tra và báo cáo nhanh khi có yêu cầu đột xuất.
Nguyễn Thuận