Tại buổi làm việc về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống thuốc giả, thực phẩm giả tại TP HCM, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết thị trường tiêu dùng của TP HCM rất năng động, đa dạng về phân khúc. Trong đó tồn tại một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các loại hàng “xách tay”, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ do tâm lý chuộng hàng ngoại hoặc vì giá rẻ.
Điều này vô tình tạo điều kiện cho các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ xâm nhập vào chuỗi cung ứng và len lỏi đến tay người tiêu dùng.
Quang cảnh buổi làm việc về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống thuốc giả, thực phẩm giả tại TP HCM.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm, mặc dù ngành Y tế và các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm song thực tế hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại và thậm chí có chiều hướng tiếp diễn với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Yêu cầu đòi hỏi tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và sự phối hợp liên ngành để đẩy lùi vấn nạn hàng gian, hàng giả, góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan đến hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều lực lượng như: Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm, Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, UBND các cấp.
Trên thực tế, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị này đôi khi còn chưa chặt chẽ, thiếu đầu mối điều phối thống nhất, dẫn đến tình trạng manh mún trong xử lý, hoặc chồng chéo, trùng lặp về chức năng. Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan đôi khi còn chậm, thiếu cập nhật, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các đợt kiểm tra, truy quét hoặc thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2025 các đơn vị, Sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP HCM đã thanh tra, kiểm tra 27.711 vụ; phát hiện và bắt giữ 4.415 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu; 21.821 vụ vi phạm về gian lận thương mại và 1.475 vụ vi phạm về hàng giả; tổng số tiền thu nộp ngân sách là gần 2.000 tỉ đồng và khởi tố 36 vụ với 89 đối tượng.
Kho hàng là dầu gió Con Ó giả và các sản phẩm giả bị công an thu giữ. (Ảnh: CACC).
Để tăng cường hiệu quả quản lý quảng cáo thuốc, thực phẩm và kinh doanh trái phép trên nền tảng thương mại điện tử, Thành phố kiến nghị các chính quyền địa phương cần có sự hoàn thiện hơn nữa về cơ sở pháp lý liên ngành, nâng cao năng lực giám sát không gian mạng, và đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nền tảng công nghệ (như Facebook, TikTok, YouTube…) để kiểm soát, gỡ bỏ nội dung vi phạm một cách kịp thời.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông đến người dân về cách phân biệt thông tin quảng cáo chính thống và thông tin gian dối trong phòng, chống thuốc giả thông qua kênh quảng cáo.
TP HCM kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Hình sự theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và tăng khung hình phạt; bổ sung mức xử phạt nặng đối với hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Chính phủ cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng giả trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, kết nối liên thông, hệ thống cơ sở dữ liệu được đồng bộ và bảo đảm an toàn thông tin, nắm bắt tình hình hoạt động thương mại điện tử trên cả nước. Kết hợp dữ liệu dân cư là thông tin quan trọng, hữu ích cho hoạt động phòng, chống tội phạm của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sớm hoàn thiện quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm để tăng cường công tác kiểm tra chất lượng thuốc, thực phẩm; Số hóa việc quản lý dữ liệu cấp Quốc gia về tiêu chuẩn kiểm nghiệm, số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm thực phẩm để các Trung tâm kiểm nghiệm có thể truy cập kịp thời nhằm thực hiện kiểm nghiệm và kiểm soát chất lượng các nhóm sản phẩm này trên thị trường nhanh chóng, kịp thời.
Xuân Trường