TP.HCM lên 3 phương án xử lý trụ sở dôi dư sau sáp nhập

TP.HCM lên 3 phương án xử lý trụ sở dôi dư sau sáp nhập
một ngày trướcBài gốc
Chiều 24/7, Sở Tài chính TP.HCM đã thông tin về hướng xử lý các trụ sở công dôi dư sau sáp nhập tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Sau sáp nhập, TP.HCM lên phương án xử lý các trụ sở làm việc bị dôi dư để tránh lãng phí.
Theo Sở Tài chính TP.HCM, tổng số trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, đơn vị thuộc TP.HCM hiện nay là 1.087 nhà, đất. Trước mắt, để ổn định hoạt động trong thời gian đầu sắp xếp bộ máy, các cơ quan, đơn vị đã bố trí duy trì làm việc tại nhiều trụ sở theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Việc này nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước tại các địa bàn sáp nhập và giảm bớt khó khăn việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động và không để ảnh hưởng, gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ công cho người dân.
Đối với khu vực Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây, hầu hết trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành đều tập trung tại trụ sở Trung tâm hành chính tỉnh. Riêng TP.HCM sử dụng các trụ sở riêng.
Sau khi sáp nhập, các cơ quan đầu mối đều làm việc trên địa bàn nên sử dụng các trụ sở làm việc tại TP.HCM để duy trì hoạt động và đảm bảo hoạt động cung cấp các dịch vụ công cho các tổ chức, cá nhân.
Trong khi đó, trụ sở Trung tâm hành chính Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện tại vẫn duy trì sử dụng cho một số cơ quan chuyên môn để xử lý chuyển tiếp trong thời điểm hiện nay, sau khi ổn định tổ chức, các đơn vị sẽ trình phương án sắp xếp đối với các tài sản này.
Sở Tài chính TP.HCM cho biết thêm, sau khi các đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động ổn định, sẽ rà soát, xác định lại tài sản thừa/thiếu so với tiêu chuẩn định mức; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch xử lý tài sản dôi dư theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tránh thất thoát, lãng phí tài sản.
Đơn vị này tính toán phương án xử lý tài sản nhà, đất dôi dư theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên, điều chuyển cho cơ quan, đơn vị khác sử dụng (nếu chưa đảm bảo so với tiêu chuẩn, định mức).
Thứ hai, bố trí, chuyển đổi công năng để sử dụng cho giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng và cuối cùng là thu hồi giao Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng hoặc Trung tâm Phát triển quỹ đất để tiếp nhận quản lý, khai thác theo quy định pháp luật.
Quốc Quang
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/tphcm-len-3-phuong-an-xu-ly-tru-so-doi-du-sau-sap-nhap-192250724174600664.htm