Đầu tư 5 triệu USD để đào tạo nhân lực bán dẫn
Khu công nghệ cao TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND Thành phố về Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Mục tiêu quan trọng nhất được đề ra trong 5 năm tới là phát triển Khu công nghệ cao trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, làm chủ công nghệ tiên tiến. Đồng thời, ươm tạo, thương mại hóa thành công sản phẩm vi mạch Việt có tính ứng dụng trong xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề xuất thực hiện ngay trong năm 2025 là thành lập Quỹ Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch với số vốn 5 triệu USD, để đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030 (tương đương khoảng 6.000 kỹ sư/năm). Việc đầu tư vào nguồn nhân lực vi mạch sẽ là bước đi đầu tiên để hiện thực hóa các mục tiêu, vì đây là điểm yếu nhất trong việc phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại TP.HCM.
Sau khi đầu tư vào nhân lực, TP.HCM sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật tính toán hiệu năng cao và nền tảng AI để phát triển và ứng dụng công nghệ AI vào các sản phẩm vi mạch bán dẫn, vào hệ thống IoT và ứng dụng trong môi trường sản xuất thông minh. Nhằm thu hút đầu tư các dự án vi mạch bán dẫn, Thành phố sẽ mở rộng Khu công nghệ cao hiện hữu và bổ sung chức năng Khu công viên Khoa học và Công nghệ để đẩy mạnh nghiên cứu ươm tạo công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.
Mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2030 là thu hút 20 dự án ươm tạo và triển khai cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cần thiết cho các dự án. Trong đó, tập trung vào vi mạch trí tuệ nhân tạo, vi mạch xử lý dữ liệu thông minh, vi mạch truyền thông bảo mật phục vụ chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm chủ lực có sử dụng lõi vi mạch mềm hoặc các vi mạch được thiết kế trong nước.
Về thu hút đầu tư, sẽ hút vốn vào ít nhất 4 dự án, trong đó có ít nhất một tập đoàn công nghệ cao tên tuổi lớn của thế giới, phấn đấu thu hút ít nhất một nhà đầu tư chiến lược ngành vi mạch bán dẫn, tập trung vào công đoạn có giá trị gia tăng cao, kết nối đến hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Với sự đầu tư mạnh mẽ, TP.HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2030 làm chủ được công nghệ từ khâu thiết kế đến chế tạo cảm biến môi trường quan trọng bằng công nghệ MEMS. Tiếp đến là nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công loại linh kiện điện tử công suất như MOSFET hoặc Transistor ứng dụng trong lĩnh vực điều khiển công suất. Và ươm tạo, thương mại hóa thành công sản phẩm vi mạch Việt có tính ứng dụng trong xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững.
Thời cơ “vàng” đã đến
Thời cơ để TP.HCM thu hút các “ông lớn” công nghệ đã đến khi một loạt tập đoàn đến Thành phố khảo sát địa điểm, một số tập đoàn thông báo mở rộng đầu tư vào Thành phố. Trong đó, “đại gia” NVIDIA đã có 3 đợt khảo sát tại TP.HCM vào năm ngoái để hợp tác với các doanh nghiệp trong nước đào tạo phát triển AI; thành lập Trung tâm tính toán xuất sắc AI; thành lập Trung tâm R&D.
Một ông lớn công nghệ khác của Hoa Kỳ là Marvell đang tăng tốc mở rộng trung tâm thiết kế chip tại TP.HCM. Ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Technology Việt Nam cho biết, Marvell quyết định thành lập thêm trung tâm thiết kế chip tại TP.HCM và một số địa phương khác để thiết kế các con chip công nghệ vi mạch mới như kết nối quang, lưu trữ, công nghệ bán dẫn tín hiệu tương tự và tín hiệu hỗn hợp.
Bên cạnh các dự án đầu tư mới, một số dự án công nghệ cao tăng vốn đầu tư, mở rộng tại TP.HCM. Trong đó, Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan (BESI) - chuyên hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ, thiết bị sản xuất bán dẫn để cung cấp cho các nhà sản xuất vi mạch đa quốc gia hàng đầu - đang làm thủ tục mở rộng đầu tư.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP. Thủ Đức diễn ra hôm 6/2, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, dự kiến trong tháng 2/2025, Ban Quản lý sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng cho BESI.
Thời gian qua, TP.HCM đã tổ chức xúc tiến đầu tư và mời gọi các nhà đầu tư Hoa Kỳ và châu Âu đầu tư vào lĩnh vực vi mạch tại Thành phố. Thế nhưng, để thu hút được các nhà đầu tư, Thành phố cần cải thiện nhiều điểm yếu đang tồn tại.
“Nếu TP.HCM có sự đào tạo chuyên nghiệp nguồn nhân lực để cung ứng cho doanh nghiệp, thì khả năng cao nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ chọn TP.HCM là điểm đến đầu tư vào ngành vi mạch”, GS. Lê Trọng Thụy, Trưởng khoa Kỹ thuật điện (Đại học San Jose State, Hoa Kỳ) nhận định.
Lê Quân