UBND TP.HCM vừa có Báo cáo số 26/BC-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình quản lý và sử dụng vốn ODA năm 2024.
Theo báo cáo, hiện tại, Thành phố đang triển khai thực hiện 5 dự án ODA, với tổng vốn đầu tư 114.003 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA là 94.883 tỷ đồng; vốn đối ứng là 19.120 tỷ đồng.
Trong năm 2024, vốn ODA được giao cho các dự án tại TP.HCM là 5.889 tỷ đồng. Tính lũy kế từ đầu năm 2024, dự kiến đến ngày 31/1/2025 giải ngân đạt 3.738 tỷ đồng (đạt 63,4% so với kế hoạch được giao).
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được đầu tư bằng vốn vay ODA của Nhật Bản - Ảnh: Lê Toàn
Trong 5 dự án ODA đang thực hiện tại TP.HCM thì tỷ lệ giải ngân đạt khá thấp.
Cụ thể tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dù đã đưa vào khai thác từ ngày 22/12/2024 nhưng tỷ lệ giải ngân năm 2024 chỉ đạt 33,7 %.
Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2), tiến độ chung đã đạt 97%, song tỷ lệ giải ngân năm 2024 chỉ đạt 23,3%.
Hay như Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2, tỷ lệ giải ngân năm 2024 chỉ đạt 28,5% so với kế hoạch.
Lý giải nguyên nhân chủ quan khiến giải ngân vốn ODA chậm, UBND TP.HCM cho rằng, công tác dự báo nhu cầu, kế hoạch vốn chưa sát với tình hình triển khai thực tế của các dự án.
Mặt khác, năng lực tổ chức thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt thực hiện theo kế hoạch, tiến độ giải ngân.
Nguyên nhân còn được chỉ ra là, công tác thiết kế công trình, đấu thầu, thẩm định, phê duyệt chậm do trình độ chuyên môn và năng lực của chủ đầu tư, tư vấn, chất lượng hồ sơ chưa đạt yêu cầu nên phải điều chỉnh nhiều lần.
Một số chủ đầu tư còn lúng túng trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án, hoạt động mua sắm đấu thầu theo quy định của nhà tài trợ.
Đối với nguyên nhân khách quan, việc giải ngân kế hoạch vốn ODA năm 2024 chưa cao do một số gói thầu chưa hoàn thành 100% các thủ tục nghiệm thu liên quan. Một số dự án, phát sinh khối lượng trong quá trình thực hiện dẫn đến phải điều chỉnh hợp đồng.
Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2025, TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Định kỳ hàng tháng, UBND Thành phố tổ chức họp với các chủ đầu tư ODA và các sở ngành để giải quyết các khó khăn của các dự án.
Đối với chủ đầu tư, cần đánh giá việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn 2025, trong đó nêu rõ tiến độ thực hiện kế hoạch tháng, nêu cụ thể nguyên nhân chủ quan, khách quan, đơn vị chịu trách nhiệm chậm (nếu có) hoặc đề xuất nội dung báo cáo UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết.
Lê Quân