TP.HCM miễn học phí toàn bộ học sinh: Niềm vui nhân đôi

TP.HCM miễn học phí toàn bộ học sinh: Niềm vui nhân đôi
11 giờ trướcBài gốc
Tại kỳ họp thứ 21, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi, học sinh THPT công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THPT năm học 2025-2026. Dự toán kinh phí thực hiện cho chính sách trên là 653 tỉ đồng.
TP.HCM thực hiện miễn học phí cho toàn bộ học sinh từ năm học tới. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, trong lễ khai giảng năm học. Ảnh: NTCC
Mặt khác, thực hiện Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 81/2021, từ năm học 2025-2026, học sinh tiểu học trường công lập, trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh THCS được miễn học phí.
Như vậy, với việc tiếp tục miễn học phí cho 2 đối tượng trên từ năm học 2025-2026, TP.HCM chính thức miễn học phí toàn bộ học sinh các cấp.
Món quà đầy ý nghĩa
“Từ năm học 2025-2026 con tôi không phải đóng học phí, tôi sẽ tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng/năm. Khoản tiền này tôi sẽ dùng để chăm lo thêm cho con trong các buổi tiệc liên hoan với lớp hoặc để con có thêm phần thưởng ý nghĩa hơn vào cuối năm” - chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, phụ huynh lớp mầm, Trường Mầm non 30-4, quận Bình Tân bày tỏ.
Ngôi trường con chị Nhung đang học đa phần là con em công nhân. Do đó, việc được miễn học phí là thông tin rất vui.
“Học phí lớp mầm, chồi, lá mỗi tháng là 160.000 đồng. Khoản tiền này đối với 1 bé không quá nhiều nhưng đối với toàn TP đó là số tiền khá lớn. Chính điều này đã cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo TP đối với giáo dục. Trong những ngày cả nước đang háo hức kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đây chính là món quà thiết thực” - chị Nhung nói.
Là trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh, chị Lê Thị Kim Nhung đánh giá chính sách này rất nhân văn và thật sự cần thiết.
Bữa cơm tình thương tại Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh. Ảnh: NTCC
“Học sinh của trường đa phần hoàn cảnh khó khăn. Có em cha mẹ ly hôn sống với ông bà ngoại; có em cha mẹ công việc bất ổn, nhà lại đông anh em nên học phí là nỗi lo.
Dù trường đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nhưng việc miễn học phí sắp tới giúp các em yên tâm đến trường. Tôi mừng lắm vì giảm được đồng nào hay đồng đó!” - chị Nhung bộc bạch.
Chị Nhung chia sẻ, 900.000 đồng đối với gia đình có điều kiện thì không vấn đề gì, nhưng đối với nhiều gia đình thì đó là khoản tiền đáng kể.
Góp phần san sẻ những lo toan
Ở góc nhìn của một nhà quản lý giáo dục, bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non 30-4, bày tỏ chính sách miễn học phí là tin vui không chỉ đối với học sinh, phụ huynh mà cả những người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục.
Các bé Trường Mầm non 30-4 chăm sóc vườn rau. Ảnh: NTCC
Theo bà Toàn, học phí đối với bậc mầm non khác nhau giữa các khối lớp. Tại trường, học phí khối nhà trẻ 200.000 đồng/tháng; mầm, chồi, lá là 160.000 đồng/tháng.
Là một ngôi trường dành cho con em công nhân, việc tiết kiệm được vài chục nghìn đối với cha mẹ học sinh đã là quý.
“Trước đây, khi phụ huynh trường tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất được hỗ trợ học phí, nhiều phụ huynh của trường cũng tâm tư. Do đó, khi biết được tin này, mọi người rất phấn khởi. Bởi đối với họ, miễn học phí sẽ bớt được một khoản trong lúc công việc ngày càng khó khăn” - bà Toàn nói thêm.
“Mừng lắm cô!” - ông Lê Phú Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phước chia sẻ khi đề cập đến việc TP sẽ miễn học phí toàn bộ học sinh từ năm học tới.
“Tại trường, tình trạng học sinh nợ tiền học phí và các khoản thu khác triền miên. Do đó, miễn học phí sẽ đỡ cho các gia đình phần nào chi phí học tập. Hiện học phí của các em là 100.000 đồng/tháng. Như vậy, một năm học, phụ huynh sẽ tiết kiệm được 900.000 đồng, khoản tiền không nhỏ với nhiều gia đình tại đây” - ông Hải nói.
Đưa cho PV một tờ giấy, ông Hải bộc bạch : “Đây là đơn xin hỗ trợ tiền học của một học sinh. Lá đơn do ông ngoại của em viết”.
Trong lá đơn có đoạn: “Đến thời điểm này, cháu tôi còn nợ tiền học gần 5 triệu đồng. Cháu sống với ông bà ngoại từ nhỏ. Tôi cũng lớn tuổi không còn đủ sức khỏe để làm công việc khác. Tôi chạy xe cả ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn, có bữa không có đồng nào. Bên cạnh đó, tôi còn phải chăm thêm đứa con trai 40 tuổi bị tai nạn hồi đầu năm. Mẹ cháu bị bệnh nhưng vẫn gắng đi làm ăn xa nhưng công việc không ổn định. Bản thân tôi cũng muốn lo cho cháu nhưng không đủ khả năng. Do đó, tôi hy vọng ban đại diện cha mẹ học sinh cùng nhà trường sẽ xem xét hỗ trợ khoản tiền này để cháu có thêm cơ hội để đến trường”.
Ông Hải cho biết, tại trường ngoài những học sinh thuộc diện được miễn giảm học phí, số học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn nhiều.
Thời gian qua, trường đã tổ chức nhiều hoạt động như bữa cơm tình thương với 30 suất/ngày hay trao 20 suất học bổng hàng tháng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Bên cạnh đó trường còn kêu gọi tài trợ, quyên góp để tổ chức gian hàng sách không đồng.
“Với trường hợp trên, tôi sẽ cùng với ban đại diện cha mẹ học sinh trường tìm cách hỗ trợ để em yên tâm học hành” - ông Hải nói.
Trong phòng thầy Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phước có một chiếc tủ đặc biệt, có sẵn mì tôm, xúc xích. “Học sinh ở đây nhiều khi không kịp ăn hoặc không có tiền để ăn sáng. Tôi chuẩn bị sẵn để nếu các em có nhu cầu thì cứ ghé phòng” - ông Hải nói.
Học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8. Ảnh: HỒNG ANH
Cũng như nhiều nhà giáo khác, bà Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, rất vui trước thông tin trên. Chính sách này đặc biệt có ý nghĩa đối với học sinh đang theo học tại trường vì phần nhiều có gia cảnh khó khăn. “Khi được miễn học phí, các em sẽ có thêm động lực để đến trường. Phụ huynh cũng phần nào cảm thấy được quan tâm, vơi bớt nhọc nhằn” - bà Anh nói.
Nhiều năm qua, trường đã có nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh nghèo. Các em được miễn giảm học phí theo chính sách chung của nhà nước, ngoài ra trường cũng chủ động miễn giảm cho các học sinh khó khăn nhưng chưa đủ tiêu chuẩn để hưởng chế độ chính sách từ nguồn hỗ trợ của ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Chẳng hạn các em được miễn giảm 50% tiền học phí, miễn toàn bộ học phí buổi 2, cạnh đó tiền ăn bán trú và các hoạt động khác cũng được trường tạo điều kiện.
“Sắp tới, khi được miễn học phí, các em sẽ thuận lợi hơn trong học tập” - bà Anh nói.
TP.HCM là nơi tập trung người dân từ các địa phương khác đến làm việc và sinh sống.
"Chính sách này phần nào giúp họ thấy được sự quan tâm của TP. Từ đó tạo sự yên tâm đối với người dân để họ gắn bó và nỗ lực vì sự phát triển của TP" - bà Anh nhấn mạnh.
Miễn học phí sẽ thực hiện ra sao?
Một tiết học của cô trò Trường Mầm non Tân Tạo, quận Bình Tân. Ảnh: THU HIỀN
Đối với học sinh đang học tại các trường công lập, UBND Thủ Đức và các quận, huyện phân bổ dự toán kinh phí hỗ trợ học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và các đơn vị trực thuộc thuộc phân cấp quản lý để thực hiện chi trả cho các đối tượng được hưởng chế độ đang theo học, chi trả thông qua các cơ sở giáo dục.
Đối với học sinh đang học tại các trường ngoài công lập, phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí hỗ trợ học phí trực tiếp cho cha mẹ học sinh, học viên hoặc ủy quyền cho cơ sở giáo dục chi trả, quyết toán với phòng GD&ĐT.
Đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT, Sở sẽ phân bổ dự toán kinh phí hỗ trợ học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và các đơn vị trực thuộc để thực hiện chi trả cho các đối tượng được hưởng chế độ đang theo học, chi trả thông qua các cơ sở giáo dục...
Đối với học sinh đang học tại các trường ngoài công lập, Sở cấp tạm ứng kinh phí chính sách đặc thù hỗ trợ học vào tài khoản của cơ sở giáo dục đã cung cấp.
Chậm nhất 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí, đơn vị thực hiện chi trả cho đối tượng thụ hưởng.
(Sở GD&ĐT TP.HCM)
NGUYỄN QUYÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/tphcm-mien-hoc-phi-toan-bo-hoc-sinh-niem-vui-nhan-doi-post846813.html