Thúc đẩy các dự án thuộc công trình trọng điểm
Ngày 7/7, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM - ông Bùi Xuân Cường - đã kiểm tra tại gói thầu XL1, thuộc Vành đai 3, Tp.HCM đoạn kết nối với cầu Nhơn Trạch (nối giữa Tp.HCM và Đồng Nai).
Báo cáo với đoàn kiểm tra, đại diện Ban Giao thông Tp.HCM (gói XL1) và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (cầu Nhơn Trạch) cho biết, gói thầu XL1 xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua Tp.Thủ Đức cũ (từ Km12+200 đến Km14+950), có tổng giá trị 2.123 tỷ đồng. Chính thức khởi công từ tháng 1/2024 và dự kiến hoàn thành 11/2026.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, kiểm tra tại công trình dự án cầu Nhơn Trạch.
Tính đến hết ngày 30/6, tổng sản lượng gói thầu XL1 đã đạt 53,7%, trở thành gói thầu có tiến độ nhanh nhất trong số 6 gói thầu khởi công đợt 2 của dự án đường Vành đai 3 Tp.HCM (với tiến độ trung bình của nhóm là 42,8%).
Để đảm bảo kết nối đồng bộ với cầu Nhơn Trạch (khởi công trước gói XL1 khoảng 17 tháng, vào tháng 9/2022), Ban Giao thông và Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu đã phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch ưu tiên hoàn thành sớm một số hạng mục tại nút giao cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD).
Đến nay, cầu nhánh A đã hoàn tất 100% khối lượng bê tông. Đối với đường nhánh D và E, công tác cấp phối đá dăm (CPĐD) đã đạt khoảng 50%. Tuyến đường chính cũng đã thi công xong 50% CPĐD trên đoạn dài khoảng 400m - đây là đoạn đầu tiên của toàn dự án được triển khai phần CPĐD. Dự kiến, việc thảm bê tông nhựa sẽ hoàn thành trước ngày 15/8.
Các hạng mục hoàn thiện như hệ thống an toàn giao thông, chiếu sáng, thiết kế kỹ thuật đang được thẩm định, dự kiến hoàn thành trong tháng 7. Công tác lựa chọn nhà thầu sẽ xong trong tháng 8/2025 và triển khai thi công từ tháng 9/2025.
Công trình dự án thuộc gói thầu của Vành đai 3, Tp.HCM đang tăng tốc.
Toàn bộ các hạng mục nêu trên dự kiến sẽ hoàn thành để kết nối với cầu Nhơn Trạch vào cuối tháng 9/2025, đảm bảo chất lượng và các điều kiện thông xe theo quy định. Tiến độ này đã rút ngắn khoảng 9 tháng so với tiến độ hợp đồng ban đầu (tháng 6/2026).
Bên cạnh đó, các nhánh còn lại của nút giao cao tốc HLD (nhánh B, nhánh C) cũng đang được nhà thầu tập trung thi công, đặt mục tiêu hoàn thành thông xe cùng với tuyến chính cầu cạn vào tháng 12/2025. Đến nay, cầu nhánh B và C đã hoàn thành 100% kết cấu phần dưới, đang thi công kết cấu nhịp dầm hộp đúc trên đà giáo. Riêng cầu nhánh B đã hoàn thành 2 nhịp giữa, là nhịp lớn nhất của nút giao này.
Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và chào mừng các ngày lễ lớn, Ban Giao thông cùng Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu đã nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức giao thông xe giai đoạn 1 để kết nối cầu Nhơn Trạch với cao tốc HLD nhân dịp lễ 19/8/2025 - 2/9/2025.
Nhiều tuyến đường giao thông mở tạm kết nối tới công trình cầu Nhơn Trạch.
Cụ thể, phần đường tuyến chính của gói XL1 (khoảng 400m) dự kiến hoàn thành trước ngày 19/8. Các hạng mục đường nhánh D, nhánh E, hoàn thiện cầu nhánh A và hệ thống an toàn giao thông, chiếu sáng sẽ hoàn thành trước 30/9.
Song song đó, các đơn vị thống nhất mở thêm khoảng 200m đường hai chiều tại nút giao để phương tiện từ Đồng Nai (sau khi qua cầu Nhơn Trạch) chạy thẳng 900m đường sau mố phía TP.HCM rồi rẽ phải vào trạm thu phí, đi lên cao tốc HLD theo các nhánh lên xuống cao tốc và ngược lại.
Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị chủ đầu tư, các đơn vị thi công… Theo Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, đây là công trình giao thông trọng điểm nên phải đảm bảo thông xe đồng bộ do đó phải tăng ca, tăng kíp, huy động nhân lực và máy móc để đảm bảo tiến độ, thậm chí vượt tiến độ thi công.
Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường cũng đề nghị Ban Giao thông tổng hợp những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền ở tất cả các gói thầu gửi UBND TP để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dự án thi công, bởi ngoài việc kết nối cầu Nhơn Trạch, dự án này còn phải đảm bảo thông xe khoảng 15km cầu cạn vào cuối năm nay.
Đẩy nhanh dự án chống ngập
Cũng trong ngày 7/7, ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, đã làm việc với Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương (cũ) và các sở ngành, địa phương liên quan đến các dự án chống ngập trên địa bàn Tp.HCM.
Tại cuộc họp, đại diện UBND các phường có dự án chống ngập đi qua gồm: Bình Dương, Tân Hiệp, Tân Khánh, Vĩnh Tân (thuộc tỉnh Bình Dương cũ) thông tin rằng, những hộ dân chưa nhận đền bù đều kiến nghị được hỗ trợ về sản xuất, bồi thường đất ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất sạt lở, điều chỉnh vị trí đất thu hồi; chính sách tái định cư; tranh chấp; vướng ngân hàng... Đối với các hộ dân không thực hiện bàn giao mặt bằng, nhận tiền đền bù, tiến tới địa phương sẽ áp dụng cưỡng chế.
Ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM.
Ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của tỉnh Bình Dương (cũ) là 32.000 tỷ đồng, trong đó 18.000 tỷ đồng thuộc vào giải ngân đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo ông Thạnh, công đoạn khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng. Đây là điều kiện để dự án hoạt động xuyên suốt theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, quá trình vận động người dân phải thực sự mềm mỏng, linh hoạt, bởi người dân rơi vào cảnh giải tỏa trắng là rất khổ. Phải động viên, khích lệ cùng giải quyết vướng mắc khó khăn với người dân, ổn định cuộc sống, công việc…
Những hộ bắt buộc phải cưỡng chế là biện pháp hành chính cuối cùng để bảo đảm tiến độ công trình, các đơn vị cần thành lập tổ tư vấn pháp lý để rà soát kỹ càng, trong thời gian này tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Một đoạn thuộc dự án công trình chống ngập.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp Bình Dương (Ban quản lý dự án) cho biết, năm 2025, đơn vị được UBND tỉnh Bình Dương (cũ) giao kế hoạch vốn cho 9 dự án gồm 5 dự án giai đoạn chuẩn bị đầu tư, 4 dự án giai đoạn thực hiện, với tổng số vốn hơn 1.300 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến 30/6/2025 gần 522 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch.
Theo vị đại diện Ban Quản lý dự án, một trong các dự án quyết định đến công tác đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công của Ban hiện nay chính là là Dự án nạo vét, gia cố suối Cái từ cầu thợ Ụt đến sông Đồng Nai. Dự án được UBND tỉnh Bình Dương (cũ) phê duyệt có tổng mức đầu tư điều chỉnh là gần 6.000 tỷ đồng, chiều dài gần 19 km.
Dự án có nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa và nước thải đã qua xử lý cho lưu vực 22.503 ha, đồng thời cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị, xây dựng 37,4 km đường giao thông cấp khu vực. Thời gian thực hiện từ năm 2020 – 2027.
Dự án có tổng số 964 trường hợp ảnh hưởng, trong đó có 946 hộ dân và 18 tổ chức, công tác giải phóng mặt bằng được Trung tâm Phát triển quỹ đất của Tp.Tân Uyên (cũ) triển khai từ tháng 11/2021.
Đến nay đã phê duyệt phương án bồi thường 29 đợt với 963 hộ, còn 1 hộ chưa phê duyệt, với tổng kinh phí hơn 3.250 tỷ đồng; đã chi trả tiền bồi thường cho 861 hộ/3.011 tỷ đồng, đạt 93% kinh phí bồi thường được duyệt.
Trong đó, 84 trường hợp đã phê duyệt phương án, nhưng chưa đồng ý nhận tiền; 60 trường hợp đã nhận tiền, nhưng chưa đồng ý bàn giao mặt bằng.
P.Sơn