Xe buýt thân thiện môi trường kết nối Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN
Ngày 16/7, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi tiếp nhận các phường thuộc tỉnh Bình Dương cũ theo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính, TP. Hồ Chí Minh đang rà soát, điều chỉnh hệ thống giao thông công cộng nhằm tăng cường kết nối giữa trung tâm thành phố với khu vực mới sáp nhập, đồng thời từng bước hoàn thiện mạng lưới vận tải công cộng liên vùng.
Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũ (gồm các khu vực mới sáp nhập như Dĩ An, Lái Thiêu, Tân Đông Hiệp…) có tổng cộng 24 tuyến xe buýt đang hoạt động; trong đó, 14 tuyến nội tỉnh và 10 tuyến liên tỉnh kết nối khu vực Bình Dương (cũ) với TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Các đơn vị vận tải đang khai thác tại khu vực này bao gồm Công ty TNHH xe buýt Becamex Tokyu, Công ty Cổ phần Phương Trinh, Công ty Cổ phần Vận tải Bình Dương và Chi nhánh Công ty TNHH Phúc Gia Khang, với tổng cộng 118 phương tiện; trong đó, 65 phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch CNG (chiếm 55%).
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã giao Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cập nhật dữ liệu tất cả các tuyến xe buýt đang hoạt động tại các địa bàn sáp nhập trên hệ thống thông tin điện tử của ngành tại địa chỉ: buyttphcm.com.vn và ứng dụng MultiGo. Các tuyến bị trùng mã số với hệ thống cũ của TP. Hồ Chí Minh được điều chỉnh bằng cách thêm ký hiệu “BD” hoặc “VT” để dễ nhận diện và quản lý.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang triển khai rà soát, điều chỉnh và tái cấu trúc toàn bộ mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố, bao gồm cả khu vực sáp nhập, nhằm đảm bảo kết nối thông suốt giữa các khu dân cư, khu công nghiệp, các trục giao thông trọng điểm như Quốc lộ 13, Vành đai 3, đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Công tác này dự kiến hoàn thành trong quý IV năm nay.
Từ sau hợp nhất, một số tuyến từng được quản lý theo cơ chế liên tỉnh nay được phân loại thành tuyến xe buýt nội tỉnh, như tuyến 61-77 (Thành phố mới – Bến xe Miền đông mới) kéo dài từ Thành phố mới Bình Dương (phường Bình Dương) kết nối với tuyến Metro số 1.
Tuy nhiên, hiện chính quyền các phường, xã mới chưa có đề xuất chính thức liên quan đến việc mở tuyến mới, xây dựng bến đỗ hoặc nhà chờ xe buýt. Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chủ động rà soát thực tế, tổ chức khảo sát nhu cầu đi lại của người dân để cập nhật và tái cấu trúc toàn bộ mạng lưới tuyến xe buýt phù hợp, đồng thời khôi phục các tuyến từng tạm ngưng do ảnh hưởng dịch COVID-19 như 61-1 (Thủ Đức – Tân Đông Hiệp) và 61-6 (Bến Thành – Đại Nam).
Ngoài ra, hai tuyến mới cũng đang được nghiên cứu và triển khai trong khu vực Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhằm phục vụ đối tượng sinh viên và người lao động có nhu cầu di chuyển liên tục.
Theo ước tính sơ bộ, nếu đầu tư hiệu quả vào hạ tầng trung chuyển và nâng cao chất lượng phương tiện, số người sử dụng xe buýt có thể tăng thêm 15–20%, góp phần giảm từ 10–12% lượng xe máy di chuyển vào nội thành.
Về chất lượng dịch vụ, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng sẽ duy trì công tác kiểm tra định kỳ hàng tháng, đánh giá hoạt động của các tuyến xe buýt, xử lý các trường hợp vi phạm về tốc độ, dừng đỗ sai quy định, vượt đèn đỏ… nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả vận hành. Song song đó, công tác tuyên truyền văn hóa giao thông và hướng dẫn kỹ năng đi lại an toàn được phối hợp triển khai tại các đơn vị vận tải và địa phương.
Ngoài kênh thông tin chính thức tại website ngành giao thông, người dân có thể phản ánh trực tiếp qua tổng đài 1022 để được tiếp nhận, xử lý kịp thời các ý kiến về chất lượng phương tiện, trễ chuyến hoặc nhà chờ xuống cấp.
Huyền Trang/vnanet.vn