Ngày 20/5, lần đầu tiên lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đồng tổ chức hội thảo liên vùng nhằm đánh giá khả năng cung ứng dịch vụ y tế trước sự thay đổi về địa lý hành chính và dân số.
Hội thảo do PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TS. Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương và ThS Nguyễn Tấn Bản - Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì.
Theo dự báo, dân số khu vực hợp nhất sẽ tăng thêm gần 4 triệu người, kéo theo nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị nội trú, và cấp cứu tăng vọt. Trong khi đó, dù số lượng bệnh viện tăng từ 134 lên 174, và số giường bệnh tăng lên 49.147 giường, nhưng tỷ lệ giường bệnh trên mỗi vạn dân lại giảm từ 41,7 xuống 31,3, thấp hơn nhiều so với mục tiêu quốc gia là 42.
Tương tự, tỷ lệ bác sĩ trên mỗi vạn dân cũng giảm từ 20,8 xuống còn 13,08; điều dưỡng giảm từ 37 xuống 29, trong khi chỉ tiêu đặt ra là 39. Điều này cho thấy nguy cơ quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối là rất rõ ràng.
Dự kiến, số lượt khám ngoại trú hàng năm sẽ tăng từ 42 triệu lên hơn 51 triệu; số lượt điều trị nội trú tăng từ 2,2 triệu lên tới 3,8 triệu. Điều này đồng nghĩa TP.HCM sẽ gánh vác khoảng hơn 30% tổng số lượt khám ngoại trú và hơn 23% lượt điều trị nội trú trên toàn quốc.
Trước áp lực này, hội thảo đề xuất các giải pháp quan trọng như phát triển cơ sở 2 và 3 cho các bệnh viện trung ương và tuyến cuối tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu; quy hoạch các cụm y tế chuyên sâu thứ 4 và 5 tại hai địa phương; thúc đẩy phát triển du lịch y tế.
Một vấn đề khác được nêu ra là hạ tầng cấp cứu ngoại viện – hiện vẫn chưa được triển khai tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. TP.HCM được giao nhiệm vụ nhanh chóng mở rộng mạng lưới trạm cấp cứu vệ tinh để phủ sóng khu vực liên vùng.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) được yêu cầu xây dựng đề án nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng phạm vi hoạt động để đáp ứng quy mô địa bàn mới.
Tổng vốn đầu tư công cho ngành y tế TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 tăng từ 48.549 tỷ đồng lên 52.424 tỷ đồng, với tổng cộng 154 dự án y tế, trong đó TP.HCM có 115 dự án, Bình Dương 31 và Bà Rịa - Vũng Tàu 8 dự án.
Giai đoạn 2026 - 2030, tổng vốn đầu tư công dự kiến tăng từ 58.638 tỷ đồng lên 65.134 tỷ đồng, với 98 dự án được triển khai (TP.HCM: 82; Bình Dương: 14; Bà Rịa - Vũng Tàu: 2).
Ngoài ra, có 6 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư kêu gọi trên 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số dự án vẫn gặp vướng mắc về thủ tục hành chính và bị chậm tiến độ. Việc hợp nhất ba sở y tế trong thời gian tới đòi hỏi một cơ chế quản lý thống nhất, minh bạch, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và tối ưu hóa nguồn lực phục vụ cho cộng đồng dân cư đang ngày càng gia tăng.
TH