Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết đề án phát triển hệ thống cấp nước TP giai đoạn 2020-2050 và chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TP.HCM giai đoạn 2020-2030.
Cung cấp nước uống tại vòi tại TP.HCM cho học sinh. Ảnh: NV
Tỉ lệ hộ dân sử dụng nước ngầm còn lớn
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay tổng công suất sản xuất thực tế bình quân để phục vụ nhu cầu cấp nước của người dân toàn TP là 1,935tr m3/ngđ (mét khối mỗi ngày đêm). Trong khi tổng công suất thiết kế các nhà máy nước là 2.413tr m3/ngđ.
"Với tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch giảm nhu cầu cấp nước của người dân chưa vượt tổng công suất thiết kế các nhà máy nước. Do đó, việc nâng công suất các nhà máy cấp nước đến 2025 đạt 2,9tr m3/ngđ là chưa thật sự cần thiết. Đồng thời phải xét đến yếu tố kinh tế, đảm bảo hài hòa mục tiêu chống lãng phí và hiệu quả đầu tư kinh doanh của đơn vị cấp nước"- Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá.
Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho rằng, việc phát triển hệ thống cấp nước TP thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn.
Cụ thể, tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, dân số tăng nhanh, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước. Hoạt động xả thải đầu nguồn cũng gây ảnh hưởng lớn đến các công đoạn xử lý từ nước thô, sản xuất nước sạch tại các nhà máy nước.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây sức ép đến quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước cũng như các khó khăn trong công tác quản lý vận hành để đảm bảo cung cấp nước sạch ổn định, liên tục và đảm bảo chất lượng nước.
Hiện nay tỉ lệ hộ gia đình sử dụng nước ngầm vẫn còn lớn, hiện trạng đang khai thác hơn 129.000 m3/ngđ, tập trung nhiều ở địa bàn khu vực nông thôn. Điều này do thói quen sử dụng nước giếng khoan đã có từ lâu đời, người dân chưa nhận thức được tác hại của việc sử dụng nguồn nước dưới đất, chất lượng không đảm bảo mà mắt thường không phát hiện được.
Để thay đổi thói quen sử dụng từ nguồn nước giếng sang nước máy phải mất nhiều thời gian, việc tác động nhận thức người dân cần có quá trình vận động, tuyên truyền.
Đầu tư xây dựng các dự án cấp nước
Để phát triển hệ thống cấp nước, cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.HCM, Sở Xây dựng đã đề xuất các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030.
Theo đó, TP.HCM sẽ tập trung đầu tư mở rộng và cải tạo mạng lưới đường ống cấp nước tăng tỉ lệ bao phủ, ưu tiên đầu tư các dự án bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát nước sạch.
Trong thời gian tới địa bàn TP sẽ nghiên cứu và áp dụng một số công nghệ để áp dụng cấp nước uống tại vòi tại một số khu vực công cộng như: trường học, bệnh viện, khách sạn, trung tâm thương mại, quảng trường, công viên...
Bên cạnh đó là tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các công nghệ xử lý và thu gom bùn từ các nhà máy sản xuất nước;
Thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng các dự án cấp nước theo hình thức đối tác - công tư (PPP) và các hình thức đầu tư khác phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Một nhiệm vụ được đặt ra nữa là đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình từ nguồn nước, xử lý nước đến mạng lưới đường ống cấp nước với các trang thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hoạt động công trình; từng bước đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống cấp nước và bảo đảm cấp nước an toàn.
Ngoài ra TP còn có kế hoạch di dời điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu so với điểm khai thác hiện tại Hòa Phú. Điều này nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng ô nhiễm nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ vào sông Thị Tính.
Hơn nữa là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động cấp nước và chất lượng nước bảo đảm cấp nước an toàn tại địa phương...
NGUYỄN CHÂU