Tư duy “vùng hóa”
Thách thức lớn nhất sau sáp nhập không nằm ở kỹ thuật, mà là tầm nhìn quy hoạch. Trước đây, mỗi địa phương làm quy hoạch riêng lẻ, tầm nhìn bị giới hạn trong ranh giới hành chính, dễ dẫn đến cục bộ. Nhưng khi ba địa phương được hợp nhất, đây chính là cơ hội để hoạch định lại toàn bộ quy hoạch trên nền tảng vùng liên kết - không gian kinh tế - xã hội tích hợp.
Nên nhớ, cả TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đều đã có quy hoạch tích hợp được Thủ tướng phê duyệt gần đây. Tuy nhiên, sau sáp nhập, những quy hoạch này cần được rà soát và xây dựng lại, bởi chúng không còn phù hợp trong một “cục diện mới”. Không thể lấy ba bản quy hoạch cũ rồi cộng gộp với nhau. Đó không phải là bài toán cộng, mà là bài toán nhân - nếu được tổ chức tốt thì giá trị tạo ra sẽ lớn hơn rất nhiều so với tổng phần riêng lẻ.
Sau khi sáp nhập, TPHCM sẽ có ba cực động lực: Cực đô thị công nghiệp Bình Dương phía Bắc, là nơi nền đất cao, thuận tiện cho việc phát triển đô thị mà ít phải lo ngại về nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Cực đô thị trung tâm gồm nội thành TP.HCM và TP. Thủ Đức, với thế mạnh là trung tâm kinh tế, tài chính, trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, sáng tạo công nghệ cao, và hội nhập quốc tế. Cực đô thị biển Cần Giờ và Bà Rịa - Vũng Tàu với thế mạnh đô thị cảng biển quốc tế xung quanh cụm cảng Thị Vải - Cái Mép - Cần Giờ và chuỗi đô thị du lịch biển Vũng Tàu - Cần Giờ.
Một hệ thống hạ tầng chiến lược đa phương tiện (cao tốc, đường sắt, đường thủy, hàng không) cần được hình thành để liên kết ba cực này với nhau. Từ đây, chúng ta có thể hình dung một TP.HCM mở rộng, không còn phát triển đơn độc mà là trung tâm vùng, là hạt nhân của một siêu đô thị liên kết với các địa phương khác như Đồng Nai, Tây Ninh, mở rộng đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tư duy phát triển không thể tiếp tục “mỗi người một việc”, mà phải đồng bộ về mục tiêu, phối hợp về quy hoạch và chiến lược phát triển.
Thời cơ để tái cấu trúc bộ máy và tư duy quản trị đô thị
Sáp nhập các địa phương không chỉ là thay đổi bản đồ hành chính. Đằng sau đó là một cuộc “đại phẫu” toàn diện về cơ cấu tổ chức, bộ máy vận hành và mô hình quản trị đô thị. Mỗi địa phương trước đây có văn hóa làm việc khác nhau, quy trình khác nhau, nên việc hợp nhất đòi hỏi sự thống nhất cao về phương pháp quản lý và cách phối hợp giữa các sở ngành.
Với cơ cấu mới, chúng ta có cơ hội tổ chức lại theo hướng hợp tác đa ngành. Ví dụ điển hình là mô hình TOD (Transit Oriented Development - phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng). Nếu trước đây, chúng ta quy hoạch metro trước rồi mới nghĩ tới đô thị sau thì nay cần làm song song, đòi hỏi sự phối hợp đa ngành từ các sở: Công Thương, Du lịch, Xây dựng, Tài chính… Cùng với đó là cách tiếp cận “đô thị sân bay” - quy hoạch sân bay và đô thị quanh sân bay cần được tiến hành đồng bộ, tạo điều kiện khai thác hiệu quả quỹ đất và hạ tầng xung quanh.
Không chỉ tinh giản bộ máy, việc sáp nhập các sở ngành liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính, Sở Giao thông công chánh vào Sở Xây dựng, cũng là cơ hội để tăng cường hiệu quả phối hợp, từ khâu lập kế hoạch đến cân đối nguồn lực.
Việc trở thành một siêu đô thị cũng đặt ra bài toán mới về tổ chức không gian đô thị. Với dân số lên đến hàng chục triệu người sau sáp nhập, TP.HCM mở rộng có điều kiện để phát triển những dự án hạ tầng quy mô lớn, hiện đại như hệ thống metro, bệnh viện hàng ngàn giường, trung tâm logistics tầm cỡ khu vực...
Tuy nhiên, một đô thị lớn như vậy không thể phát triển theo kiểu “đơn tâm” truyền thống - dồn hết mọi tiện ích, dịch vụ, hạ tầng vào trung tâm, mà phải phát triển theo hướng “đa trung tâm”. Tức là ở mỗi khu vực Đông, Tây, Nam, Bắc đều có các trung tâm đô thị vệ tinh, đảm bảo người dân ở đâu cũng có thể tiếp cận hạ tầng thiết yếu trong khoảng 15 phút đi bộ hoặc đạp xe: trường học, bệnh viện, công viên, trung tâm văn hóa thể thao...
Điều này giúp giảm tải áp lực giao thông vào trung tâm, hạn chế ô nhiễm và nâng cao chất lượng sống đồng đều cho cư dân toàn vùng. Đây là một thử thách lớn trong giai đoạn chuyển đổi nhưng nếu làm tốt, sẽ giúp thành phố phát triển bền vững hơn.
Doanh nghiệp trước cục diện mới
Với doanh nghiệp, giai đoạn chuyển giao sẽ có những phiền toái ngắn hạn như thủ tục, giấy tờ thay đổi, quy định cần điều chỉnh lại... Nhưng song song đó là vô vàn cơ hội lớn được mở ra.
Một khi TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu được kết nối bằng trục hạ tầng đa phương tiện, thì các khu công nghiệp, cảng biển, trung tâm dịch vụ, khu logistics… sẽ không còn bị giới hạn bởi địa giới hành chính. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ hoạt động trong một không gian kinh tế lớn, hiện đại và hiệu quả hơn.
Câu chuyện cảng Cần Giờ là một minh chứng. Trước đây chỉ là cảng trung chuyển vì không kết nối với khu công nghiệp TP.HCM. Nhưng sau sáp nhập, cảng này nằm trong cụm Thị Vải - Cái Mép, có thể kết nối trực tiếp với các khu công nghiệp ở Biên Hòa, Bình Dương. Như vậy, nó trở thành cảng quốc tế thực sự - không chỉ trung chuyển mà là cảng xuất nhập khẩu hàng hóa nội địa và khu vực.
Do đó, doanh nghiệp cần đánh giá lại chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới. Tìm hiểu các quy hoạch vùng, định vị lại vị trí và khả năng kết nối của mình, sẵn sàng nắm bắt những cơ hội hạ tầng và thị trường được mở rộng nhờ liên kết vùng. Những ai đi trước, nắm bắt tốt sẽ có lợi thế vượt trội trong cuộc chơi mới.
(*) Chủ tịch Ngo Viet Architects & Planners
Hưng Khánh ghi
TSKH. Ngô Viết Nam Sơn (*)