TP.HCM sau sáp nhập: Mở rộng không gian phát triển, nâng tầm vai trò đô thị biển

TP.HCM sau sáp nhập: Mở rộng không gian phát triển, nâng tầm vai trò đô thị biển
16 giờ trướcBài gốc
Sáp nhập để kiến tạo tương lai
Ngày 9/7, tại Tọa đàm “Cải cách hành chính - Kiến tạo không gian phát triển” do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cùng Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) tổ chức.
Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân cùng nhìn nhận việc sáp nhập TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở ra một không gian phát triển mới có tính hệ sinh thái vùng, liên ngành, liên cấp, với tầm nhìn về một đại đô thị biển hiện đại, đa trung tâm.
Tọa đàm “Cải cách hành chính - Kiến tạo không gian phát triển”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh: “Việc sáp nhập không chỉ là bài toán hành chính, mà là cuộc cách mạng về tư duy phát triển. Với cùng một nguồn lực, nhưng nếu tổ chức lại hợp lý, chúng ta có thể tạo ra hiệu suất vượt trội hơn.”
Ông dẫn chứng hệ thống cảng biển hiện nay đang phân tán và có phần cạnh tranh lẫn nhau như: TP.HCM có Cát Lái, Hiệp Phước; Bà Rịa - Vũng Tàu có Cái Mép - Thị Vải, Long An cũng quy hoạch cảng riêng. Sau sáp nhập, cần có quy hoạch tổng thể cấp vùng, kết nối và bổ trợ các cụm cảng, tránh trùng lắp đầu tư, giảm chi phí logistics và gia tăng năng lực thông quan.
Đồng tình, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Ngo Viet Architects & Planners gọi đây là “một cục diện phát triển hoàn toàn mới” khi cấu trúc vùng được xác lập theo ba cực. Trong đó, Bình Dương (cũ) là vùng công nghiệp - sản xuất; Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) là đầu mối cảng biển - du lịch biển và TP.HCM hiện hữu là trung tâm tài chính - công nghệ - giáo dục - đổi mới sáng tạo.
Theo ông, đây là mô hình “tam giác động lực” có thể phát triển hài hòa nếu quy hoạch và phân vai đúng. TP.HCM cần phát huy vai trò “đầu tàu kéo đoàn tàu đi”, đặc biệt trong quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị thông minh và logistics kết nối vùng. “Không thể quy hoạch đô thị hiện đại bằng tư duy cũ kỹ, cục bộ mà phải chuyển sang tư duy chia sẻ, tích hợp, liên thông và hướng đến liên vùng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông cho rằng TP.HCM cần mạnh dạn đầu tư vào chuỗi đô thị sinh thái biển từ Cần Giờ - Vũng Tàu - Hồ Tràm đến Phan Thiết (Lâm Đồng), tận dụng tối đa lợi thế về cảnh quan, khí hậu, cảng biển và văn hóa bản địa.
Đồng thời, hệ thống metro kết nối đến Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và sân bay Long Thành sẽ là điều kiện tiên quyết để hình thành các đô thị TOD (Transit Oriented Development), tạo lực hút đầu tư và tăng mật độ phát triển theo chiều sâu.
Doanh nghiệp tận dụng cơ hội
Không gian phát triển mới sau sáp nhập không chỉ là câu chuyện của quy hoạch và tầm nhìn, mà còn mở ra cơ hội tái cấu trúc cho từng ngành nghề cụ thể.
Ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch HAWA chia sẻ tại tọa đàm.
Ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch HAWA nhận định: “Khi ba trụ cột hội tụ, TP.HCM là trung tâm thương mại - công nghệ, Bình Dương là thủ phủ ngành gỗ với kim ngạch xuất khẩu gần 5 tỷ USD và Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu lợi thế cảng biển chiến lược, ngành gỗ và nội thất sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ”.
Ông ví không gian kinh tế này như một “chuỗi dây chuyền khép kín”, trong đó việc đặt các trung tâm sản xuất, phân phối, logistics trong cùng không gian quy hoạch giúp ngành gỗ giảm chi phí vận hành, rút ngắn thời gian đưa hàng ra thế giới và nâng cao năng lực phản ứng thị trường.
Tương tự, ông Phạm Hiền Nhân, đại diện Viglacera cũng cho biết sáp nhập giúp doanh nghiệp tái cơ cấu nhà máy theo hướng chuyên sâu vùng miền, giảm tới 10% chi phí logistics nhờ đặt đúng nhà máy đúng vị trí.
“Nếu trước đây vận chuyển một container gạch từ Bắc vào Nam tốn hơn 14 triệu đồng, giờ có thể tiết kiệm đáng kể nhờ tái cấu trúc chuỗi cung ứng”, ông nói.
Ngoài ra, ngành xây dựng - bất động sản cũng kỳ vọng được “kích hoạt” trở lại nhờ quy hoạch các khu đô thị mới, phân khu chức năng và phát triển hạ tầng vùng.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Secoin, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM nhận định, nhìn vào quy hoạch phát triển hạ tầng của Chính phủ ở khu vực Đông Nam Bộ và TP.HCM hiện nay với các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, Vành đai 4, đường mở rộng TP.HCM - Long Thành có thể thấy nhu cầu về vật liệu xây dựng là rất lớn.
Tuy nhiên, TS Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng: “Sáp nhập không thể chỉ dừng ở ghép bản đồ hành chính. Quan trọng hơn là điều chỉnh quy hoạch tích hợp, đồng bộ, linh hoạt để không tạo ra khoảng trống pháp lý hay sự mâu thuẫn phát triển”.
Ông đề xuất quy hoạch mới cần nhấn vào các trục chiến lược như kinh tế biển, tài chính, logistics, công nghệ cao, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái. Đồng thời, đẩy mạnh mô hình đô thị đại học và hợp tác đổi mới sáng tạo theo “mô hình bốn xoắn ốc” gồm: Nhà nước - đại học - doanh nghiệp - cộng đồng.
Có thể thấy, các chuyên gia đều đồng thuận rằng việc sáp nhập là cơ hội vàng để tái cấu trúc không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ, nhưng cần đi kèm tư duy quản trị mới, quy hoạch tích hợp, thể chế linh hoạt và sự đồng hành của doanh nghiệp.
Hoài Sương
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/tphcm-sau-sap-nhap-mo-rong-khong-gian-phat-trien-nang-tam-vai-tro-do-thi-bien-d327528.html