Ngày 13-7, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm và đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng ĐBSCL.
Thủ tướng chủ trì hội nghị tại TP Cần Thơ ngày 13-7. Ảnh: TP
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác 2 nội dung quan trọng.
Giải ngân trên trung bình so với cả nước
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 3 của TP.HCM hiện nay tốt. TP.HCM phấn đấu đến tháng 12 sẽ đưa đường Vành đai 3 phía Đông vào vận hành chính thức; vành đai phía Tây sẽ thông xe vận hành kỹ thuật vào ngày 30-12 năm nay, theo đúng chỉ đạo trước đó của Thủ tướng.
Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đến nay, tỉ lệ giải ngân của TP.HCM đạt trên trung bình so cả nước, khoảng 38%.
Báo cáo về việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, ban đầu chính quyền TP cũng như các tỉnh rất áp lực, khi vừa sắp xếp xong xã, phường thì tiến hành ngay việc sắp xếp cấp tỉnh. TP.HCM đã rất quyết liệt trong thời gian vừa qua, để hoàn thành khối lượng công việc lớn và đã đạt được kết quả bước đầu
Cho đến nay, TP.HCM đã triển khai nghiêm túc, đúng, đủ, kịp thời chỉ đạo của trung ương về mô hình chính quyền địa phương hai cấp, sắp xếp xong 168 xã, phường, đặc khu, giảm gần 62%.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được báo cáo về việc TP chọn 38 trung tâm phục vụ hành chính công để thực hiện giải quyết hồ sơ phi địa giới hành chính. Ảnh: HN
Theo Chủ tịch TP.HCM, kể từ ngày 1-7, với sự chủ động của TP.HCM, bộ máy 168 xã, phường, đặc khu và 15 sở, ngành mới đã đi vào vận hành tương đối ổn.
Kiểm tra ở xã, phường thì việc vận hành "bộ tứ phần mềm" (giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, trực tuyến, vận hành cổng 1022, phản ánh của người dân) đã thông suốt.
Hạ tầng mạng cũng được đấu nối đảm bảo sự vận hành cho 168 xã, phường, đặc khu và được người dân đánh giá khá cao, đến nay chưa có phản ánh vấn đề gì lớn.
“Chỉ có bộ máy cấp xã còn lúng túng trong thực hiện các thủ tục do các sở, ngành phân cấp xuống. Trước lúng túng ban đầu như vậy, lãnh đạo TP đã trực tiếp chỉ đạo sở, ngành cử người trực tiếp xuống hướng dẫn và đã vận hành tương đối tốt”- ông Được cho hay.
Chọn 38 trung tâm giải quyết thủ tục phi địa giới hành chính
Chủ tịch TP.HCM cũng đề cập việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương về giải quyết thủ tục hành chính "phi địa giới hành chính", phấn đấu đến cuối năm nay thực hiện trong toàn địa bàn TP.
Theo đó, TP có lợi thế so với các tỉnh là cơ sở vật chất ở các xã, phường tương đối tốt, đường truyền cũng tương đối đảm bảo. Vấn đề đặt ra là sẽ tổ chức bộ máy ra sao để thực hiện giải quyết thủ tục phi địa giới hành chính, doanh nghiệp, người dân có thể nộp hồ sơ tại bất kỳ nơi nào.
Theo ông Được, TP đã chỉ đạo, trước mắt 38 Trung tâm phục vụ hành chính công xã, phường thừa hưởng lại trụ sở 38 quận, huyện của ba địa phương trước đây, sẽ được TP đầu tư “tận chân răng, kẽ tóc” về trang thiết bị, cơ sở vật chất, phần mềm. TP sẽ thông báo cho các hộ gia đình, cá nhân hoặc các tổ chức đến 38 khu vực này hoặc lên TP thực hiện giải quyết hồ sơ theo yêu cầu của họ.
Vì sao phải chọn 38 trung tâm này, ông Nguyễn Văn Được cho biết nếu triển khai tất cả 168 xã, phường, đặc khu sẽ cần nguồn kinh phí rất lớn và cũng chưa hẳn hiệu quả, bởi sẽ có xã, phường hầu như không xuất hiện hồ sơ này, như vậy sẽ lãng phí.
“TP.HCM sẽ tận dụng, tuyển lại 5 cán bộ chuyên trách, rành công việc để bổ sung xuống 38 trung tâm này, nhận hồ sơ của các doanh nghiệp để thực hiện giải quyết hồ sơ, thủ tục phi địa giới hành chính. Trước mắt TP.HCM sẽ làm vậy, đến cuối năm 2025 sẽ sơ kết, tổng kết xem có cần thiết phải mở rộng đến 168 xã, phường, đặc khu không, hay 38 trung tâm này đủ rồi” – ông Nguyễn Văn Được cho hay.
Kiến nghị tính trượt giá hợp lý
Về kiến nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Hiện nay, để đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương và TP, các đơn vị thi công đã mua vật liệu bằng mọi giá, hoặc mua chính thức thì cũng phải chịu trượt giá, nên kinh phí cao.
Vì vậy, TP kiến nghị cho đơn vị thi công được tính trượt giá hợp lý để giảm bớt khó khăn cho các đơn vị này.
Để triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, TP kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo về hạ tầng dùng chung và dữ liệu; Kiến nghị có phần mềm dùng chung về quản lý hồ sơ, quản lý nhân sự và các vấn đề khác thống nhất trong toàn quốc để sau này cập nhật, báo cáo thống nhất từ trên xuống dưới, phục vụ việc kiểm tra, giám sát thông suốt từ trung ương xuống cấp xã.
"Trong điều kiện hiện nay, không thể bằng biện pháp thủ công có thể đi kiểm tra hết được, chỉ trên phần mềm mới biết việc thực hiện công việc thế nào" - ông Nguyễn Văn Được nói.
NHẪN NAM